- Dịch vụ cung cấp nước ngọt tại miền Tây chưa bao giờ "ăn nên làm ra" khi hạn, mặn vây bủa như bây giờ. Nhưng khai thác quá mức nguồn nước ngầm ở tầng nông sẽ gây cạn kiệt, sụt lún, lở đất…

Một ngày chạy xe chở nước ngọt bán cho người dân trong vùng đang khan hiếm nước vì hạn, mặn, anh Nguyễn Huy Cường (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) chưa bao giờ lâm vào cảnh chở nước không kịp bị bà con trách móc, phàn nàn.

Chạy ít cũng 10 lượt, thậm chí những ngày nắng nóng, có xe chở đến 20 lượt/ngày mà như không thấm tháp vào đầu so với nhu cầu của bà con.

{keywords}

Mỗi ngày, hàng trăm xe công nông chở nước đi bán cho bà con trong vùng hạn, mặn ở Bến Tre

Các sông lớn ở miền Tây nước vốn bao la mà giờ nhiễm mặn không thể sử dụng khiến bà con phải chi tiền triệu mỗi tháng để mua nước ngọt. Dịch vụ cung cấp nước ngọt đang giúp nhiều người có thu nhập “khủng”.

Gần 2 tháng nay, ngày nào anh Trần Minh Thường (ngụ huyện Bình Đại) cũng dùng xe công nông chở bồn chứa nước đi bán cho bà con trong vùng hạn, mặn.

Hạn, mặn khắc nghiệt khiến nguồn nước ở các giếng trong khu vực đã bắt đầu cạn kiệt, nguy cơ không có nước để đổi cho người dân.

“Nhà có xe công nông nên tôi mua nước của một hộ có giếng nước ngọt rồi chở đi bán cho bà con. Nguồn nước này lấy từ giếng khoan tầng nông ở các giồng cát”, anh Thường cho biết.

{keywords}

Anh Trần Minh Thường (ngụ huyện Bình Đại, Bến Tre) thu bạc triệu mỗi ngày nhờ chở nước đi bán cho bà con

Giá bán tăng chóng mặt, từ 60.000 - 80.000 đồng/m3, nay nguồn nước giảm nên tăng đến 100.00 - 180.000 đồng, tùy theo đoạn đường gần hay xa.

“Giá nước cao như vậy nhưng bà con điện thoại kêu chở nước không kịp, có bữa chở nước cho họ tôi quên ăn cơm luôn”, anh Thường cho biết.

Bình quân mỗi chuyến trừ chi phí người bán nước lời gần 90.000 đồng, ngày chở nhiều nhất gần 20 chuyến.

“Tháng vừa rồi, tôi thu nhập tiền đổi nước cũng hơn 10 triệu đồng”, ông chủ bán nước khoe.

Công việc bán nước ngọt đến bất ngờ. Cũng như nhiều nhà nông khác, gia đình anh Thường có 7 công lúa chết hoàn toàn vì hạn mặn. Thấy bà con thiếu nước và bản thân đang còn nợ tiền phân bón nên anh chuyển sang nghề đổi nước.

“Chạy xe chở nước đổi cho người dân cả tháng nay tôi đã trả hết nợ tiền phân bón rồi. Người dân ở cái xứ này khổ lắm, nên bản thân tôi cũng mong hạn, mặn sớm kết thúc để bà con sớm có nước ngọt dùng”, anh nói.

May hay lo?

Anh Nguyễn Thanh Long ở xã An Hiệp (huyện Ba Tri) là người may mắn nhất khi tìm được một mạch nước ngầm dùng để sinh hoạt và bán cho bà con xung quanh.

Theo anh Long, hiện tại, nước vẫn còn nhưng khai thác quá mức có khả năng sẽ cạn kiệt.

{keywords}

Người dân khoan giếng tìm nước ngọt nhưng chỉ thấy nước mặn, nước cứng

Trong khi đó, anh Nguyễn Huy Cường (ngụ huyện Bình Đại) cho biết hiện tại, mỗi ngày có khoảng 10-15 xe đến lấy nước tại 2 giếng ngầm ở xã Thừa Đức để bán lại cho người dân trong vùng.

“Dù mới chở nước đi bán cho người dân nhưng tôi cũng kiếm được ít tiền lo cho gia đình rồi, nhưng kiếm tiền theo cách này không ham mấy anh ơi” - anh Cường nói.

Còn anh Thường dù thu bạc triệu mà canh cánh trong lòng.

“Chính quyền địa phương nên xem xét để đưa nguồn nước sạch về cho bà con dùng chứ tình trạng thế này khiến mọi người rất khổ. Tính sơ sơ gia đình nào dùng tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng phải bỏ ra gần 1 triệu để mua nước sinh hoạt”, người nông dân xót xa.

{keywords}

Hộ nào tìm được mạch ngầm còn ngọt thì nhanh chóng dự trữ, sợ nước “vàng” biến mất

Hiện UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các địa phương quản lý, phối hợp với các cơ sở cung ứng nước ngọt để người dân mua nước với giá chấp nhận được.

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, tình trạng thiếu nước ngọt đang rất trầm trọng.

Người dân phải khoan giếng tầng nông để lấy nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, tuy nhiên không phải chỗ nào cũng có.

“Chúng tôi phải dùng xe bồn, xe của cảnh sát phòng cháy chữa cháy cung ứng cho bệnh viện, trường học... Nhưng theo nhiều chuyên gia, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm ở tầng nông sẽ gây cạn kiệt nguồn nước ngầm, gây sụt lún, lở đất…”, ông nói.

Hoài Thanh - Đinh Tuấn

Kỳ tới: Để hạn, mặn không còn ám ảnh