Không phải đến tận bây giờ mà ngay từ rất lâu, làng cổ Đồng Dương đã khoác lên mình bao câu chuyện kỳ bí.
Có dạo làng Đồng Dương xáo động bởi giới săn lùng cổ vật, những kẻ ôm mộng đổi đời từ khắp nơi rầm rộ kéo về, vì tin đồn xuất hiện kho báu "vàng hời" của vua Chăm. Kỳ lạ hơn là câu chuyện hoàn toàn có thật về một cổ vật ở làng được 7 đời chủ tịch xã luân phiên bảo vệ.
Làng cổ xáo động vì tin đồn "kho vàng của vua"
Làng văn hóa Đồng Dương cũng chính là di tích cấp quốc gia Phật viện Đồng Dương, nay vẫn còn tộc họ Trà hậu duệ của người Chăm sống thuận hòa tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Ngay cả trưởng thôn Đồng Dương, ông Trà Tấn Vụ (57 tuổi) cũng khẳng định: "Cho dù cuộc sống hiện đại, tân tiến đã len lỏi khắp làng quê, phố huyện, nhưng nhiều đời con cháu tộc Trà người Chăm chúng tôi vẫn luôn bảo tồn tục mẫu hệ và lễ nghi truyền thống đến tận ngày nay”. Tuy nhiên, không chỉ ông Vụ mà tất cả dân làng ở Đồng Dương lại luôn canh cánh một nỗi niềm, bởi làng cổ xáo động vì những "báu vật vàng".
Tin đồn rộ lên cách đây nhiều năm, rồi lan tỏa khắp nơi chuyện "kho báu" của vua Chăm được chôn giấu tại làng Đồng Dương. Không chỉ riêng người xứ Quảng, người dân Việt, mà Đồng Dương và kho báu bí ẩn của nó còn là địa chỉ đỏ thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia về khảo cổ học nước ngoài.
Năm 1901, Louis Finot nhà khảo cổ, phương Đông học nổi tiếng đã công bố trên tạp chí Viễn Đông Bác cổ-Pháp (L'EFEO) về 229 tác phẩm tìm thấy tại Đồng Dương. Một năm sau đó, Henri Parmentier, một nhà khảo cổ người Pháp tìm thêm được rất nhiều tác phẩm quý hiếm khác trong khu tháp chính của Đồng Dương…
Tượng nữ thần Chăm (Bồ tát Laksmindra-Lokesvara) được tìm thấy tại làng Đồng Dương, hiện trưng bày tại Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng. |
Tuy nhiên, không rõ phát nguồn từ đâu, nhưng câu chuyện về kho báu vua Chăm còn bị thêu dệt hết sức ly kỳ. Rằng làng Đồng Dương tuy nay chỉ còn lại tàn tích tường gạch không nguyên vẹn đang được phục dựng, cùng nhiều vết tích của hầm lò đúc vàng được xây dựng bằng gạch Chăm. Nhưng ngay dưới chân ngọn Tháp Sáng và rải rác khắp nơi vẫn còn kho báu vàng và nhiều cổ vật quý mà vua Chăm từng chôn giấu.
Huyễn hoặc hơn, vào mỗi đêm rằm, khi trăng tròn vạnh treo ngay đỉnh đầu của Tháp Sáng là lúc kho vàng cổ sẽ lộ thiên. Vàng của kho báu nhiều đến nỗi sáng lóa cả núi Ngang. Thậm chí, ban đêm còn có cảnh tượng từng miếng vàng hời, các cổ vật bằng vàng hình thù cổ quái tự chui lên khỏi mặt đất, phơi mình ngay bên con suối nhỏ cách tháp cổ vài trăm mét…
Chỉ cần có vậy, giới săn đồ cổ vội rỉ tai bằng mọi giá phải sở hữu được những cổ vật quý của Đồng Dương, họ còn ước tính chắc chắn sẽ lời lớn nếu "bắt mối" bán ra nước ngoài. Được đánh động, dân rà phế liệu tứ xứ khắp nơi cũng lũ lượt kéo về Đồng Dương ngày đêm lùng sục, đào xới nuôi mộng đổi đời. Thậm chí, đám người săn kho vàng của vua Chăm còn có hẳn một bản đồ kho báu chuyền tay nhau với dấu hiệu là "cây duối trắng" (theo truyền thuyết là loài cây đặc biệt chỉ có ở Đồng Dương, thân, lá, rễ đều có màu trắng bạch - PV).
Cứ chiếu theo chỉ dẫn của bản đồ này cùng những "điểm nghi vấn" được khoanh vùng, rồi thuê người tộc Trà bản địa dẫn đường sẽ chắc chắn "trúng vàng", giàu to… Trước sự rầm rộ đào xới, lùng sục của những kẻ kém hiểu biết, tin vào lời đồn nhảm mà hám lợi này, bấy giờ, chính quyền địa phương cùng người dân Đồng Dương đã phải ra sức tuyên truyền và ngăn chặn để bảo vệ di tích quốc gia, đảm bảo ANTT cho Đồng Dương... Cơn địa chấn tìm kho vàng tạm lắng xuống, thì dân làng lại có thêm mối bận lòng khác. Lần này là một cổ vật rất đặc biệt và hiện đang được 7 đời chủ tịch xã thay nhau lưu giữ, bảo vệ cho làng.
Di tích tượng Phật viện Đồng Dương. |
7 đời chủ tịch xã "bảo vệ" báu vật của làng
Theo lời kể và ghi chép của những già làng Đồng Dương thì: "Bảo vật quốc gia" tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara (còn gọi là Bồ tát Tara), được trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng chính là pho tượng vàng phát hiện vào năm 1978 tại khu di tích Phật viện Đồng Dương bởi chính người dân làng. Việc phát hiện ra pho tượng, lưu giữ, bảo vệ cổ vật quý đó cũng có nhiều tình tiết vô cùng kỳ bí.
Thời điểm phát hiện ra pho tượng tại làng Đồng Dương là vào mùa mưa tháng 8/1978. Sau một đêm mưa như trút, sấm chớp giật liên hồi, cây cối ngã rạp ngổn ngang khắp nơi làm những vách gạch cổ đổ nát của Tháp Sáng được trôi rửa lộ thiên. Để gia cố lại căn nhà xiêu vẹo của mình, ông Huỳnh Tấn Kết và nhiều dân trong làng Đồng Dương như mọi lần lại tranh thủ tìm ra khu Tháp Sáng mót gạch về xây nhà.
Đang hì hụi khuân gạch cạnh hố sâu, bất giác ông Kết thấy một vật lớn hình thù giống cái quách trồi lên lấp ló dưới lòng hố. Nhìn kỹ, ông Kết phát hiện quách rất khác lạ, có nhiều chạm khắc nổi hình thù tinh xảo. Để thỏa tò mò, ông Kết cố sức kéo quách lên khỏi miệng hố rồi cậy nắp, thật bất ngờ ông gặp được của quý.
Trong quách, một pho tượng Phật tuy bị bùn đất bám dày nhưng vẫn lóa xanh, cao chừng hơn 1m nặng gần 100kg, trên tay tượng còn cầm hai búp sen vàng. Càng cạo và lau sạch lớp bùn đất, ông Kết càng kinh ngạc hơn khi toàn thân tượng ánh lên như một khối vàng, dưới chân tượng còn được khắc ký tự Chăm cổ…
Tin ông Kết bắt được tượng vàng trong tháp cổ ngay lập tức lan nhanh, người dân làng cứ vậy nườm nượp kéo đến nhà ông Kết để mong được chiêm ngưỡng vật báu. Riêng các bô lão và người tộc Trà ở làng Đồng Dương chỉ vừa trông thấy bức tượng đã vội quỳ lạy chiêm bái. Ai nấy đều khẳng định, bức tượng Phật đích thị là báu vật thiêng của người Chăm.
Dân làng Đồng Dương còn cho rằng tổ tiên của họ đã hiển linh, nên người trong làng mới có duyên phát ngộ được tượng Phật ngài. Cũng ngay trong hôm tìm thấy bức tượng, bô lão của làng đã mở cuộc họp khẩn. Tin tìm thấy tượng quý cũng được cấp báo đến chính quyền địa phương, dân quân xã còn phải cắt cử lực lượng súng ống nghiêm chỉnh để túc trực bảo vệ tượng nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, mặc dù bấy giờ tượng được xem như là bảo vật của làng, nhưng vào năm 1981 khi được ngành chức năng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thu hồi rồi đem đi trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng thì hai búp sen vàng trên tay bức tượng lại bỗng nhiên "mất tích". Câu chuyện có thật, 7 đời chủ tịch xã cho đến hiện nay vẫn "bảo vệ" cổ vật cũng từ đó mà nên.
"Hễ vị nào đảm nhiệm chức chủ tịch xã Bình Định Bắc, ngoài trách nhiệm của nhà nước giao phó, thì còn phải nhận một nhiệm vụ rất đặc biệt do dân làng giao phó là: Tiếp nhận và bảo vệ "vật báu" của làng Đồng Dương"… Người từng được "bảo vệ vật báu", ông Trương Văn Việt, Bí Thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc chia sẻ với chúng tôi. "Vật báu" thật ra là hai búp sen trên tay của tượng Bồ tát Tara mà dân làng Đồng Dương tìm thấy.
Theo tài liệu thì tên gọi của chúng là đóa hoa sen và con ốc úp ngược, nhưng người dân địa phương ở đây quen gọi chúng theo cách dân dã là hai "quả lựu", bởi vì trông chúng giống hai "quả lựu", to bằng nắm tay. Vào năm 1978, một người dân trong làng vì mê tín, nên đã lén bẻ mất hai vật đính trên tay Bồ Tát rồi đem về nhà cất giữ. Phải mất nhiều ngày vận động của chính quyền và các già làng, người này mới chịu giao nộp lại hai "quả lựu" cho vị chủ tịch xã lúc bấy giờ là ông Huỳnh Thế Công.
Nơi tìm thấy cổ vật tượng Bồ tát Laksmindra-Lokesvara. |
Vậy là, một lần nữa chính quyền địa phương, các trưởng làng và tộc họ tại xã Bình Định Bắc lại phải tổ chức một cuộc họp "bất thường". Thể theo nguyện vọng của người dân và các tộc họ, "hương ước" về vật báu của làng này cũng đã được lập ra với quy định: Đích thân chủ tịch xã đương nhiệm sẽ là người nhận nhiệm vụ cất giữ hai quả lựu thiêng này cho làng.
Khi nào kết thúc nhiệm kỳ, thì sẽ tiếp tục bàn giao cho Ban thường vụ và vị chủ tịch mới "bảo vệ". Đặc biệt, để tránh kẻ gian, những tay săn đồ cổ ngày đêm cò kéo, tìm mọi cách sở hữu vật báu này, thông tin về hai "quả lựu" phải được tuyệt đối giữ bí mật. Điểm cất giữ hai "quả lựu" chỉ duy nhất vị chủ tịch đương nhiệm biết…
Việc lưu truyền và cất giữ cổ vật này tính đến nay đã được 37 năm, qua 7 nhiệm kỳ. Chủ tịch xã đầu tiên là Huỳnh Thế Công đến vị chủ tịch xã đương nhiệm của Bình Định Bắc hiện nay là Trà Tấn Túc. Theo lời ông Trà Tấn Túc thì: “Nhiệm vụ của dân giao cho tôi và các vị tiền nhiệm quả là "sống để bụng, chết mang theo".
37 năm trôi qua, bảy đời chủ tịch xã thay nhau gìn giữ, bảo vệ báu vật với lời thề, tuyệt đối không tiết lộ về nơi cất giữ báu vật thiêng này… Bởi người dân đều cho rằng hai "quả lựu" đó đều được làm bằng vàng, thậm chí nếu để mất thì làng sẽ gặp họa. Đó chính là lý giải vì sao được công nhận là bảo vật quốc gia, nhưng pho tượng Bồ tát Tara vẫn chưa được ghép nối hoàn chỉnh cho 2 phần hiện vật trên 2 tay của tượng.
Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia vào năm 2000. Bức tượng Bồ tát Laskmindra-Lokesvara được tìm thấy năm 1978 tại khu đền thờ chính khu Phật viện Đồng Dương, tượng không chỉ là bức tượng Nữ thần bằng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Chăm-pa, mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất vùng Đông Nam Á. Tượng có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9, cao 114 cm, trên tay cầm hai đóa hoa sen, tóc được búi lại thành hình chóp (jata), trên chóp chạm một tượng Phật A Di Đà, giữa trán có một urna (huệ nhãn) hình thoi...
Khi người làng Đồng Dương phát hiện và lưu giữ, tượng được xem như báu vật chung của cả làng. Đến năm 1981, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ra quyết định thu hồi, hiện tượng được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP.Đà Nẵng cho đến tận bây giờ.
(Theo CSTC)