Mùa chanh leo thắng đậm

Vừa kết thúc đợt thu hoạch quả thứ 2 trong năm nay, ông Lê Đình Tường ở Tân Liên (Hướng Hóa, Quảng Trị) cười tươi rói rồi nói: “Đây là năm đầu tiên chanh leo cho trái, còn vụ thu hoạch vừa rồi là vụ thứ 2 của nhà tôi. Thắng đậm rồi cô chú ạ”.

Ông Tường chia sẻ, trước kia, khu vườn quanh nhà ông đều chỉ để trồng chuối, ra buồng nào được thu hoạch buồng đó. Mà cuộc sống của gia đình trông cả vào vườn chuối ấy thành ra cái đói, cái nghèo mãi đem bám. Có năm mưa bão nhiều gần như  mất trắng.

Mãi đến giữa năm 2018, lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa xuống đây khảo sát, vận động gia đình ông chuyển đổi sang trồng cây chanh leo thử nghiệm. Họ nói sẽ có doanh nghiệp về hướng dẫn kỹ thuật cùng với cán bộ huyện, đến lúc thu hoạch lại bao tiêu trái cho mình nên ông quyết liều mình làm theo, phá hết sạch vườn chuối để trồng chanh leo.

{keywords}
Chanh leo trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân huyện miền núi Hướng Hóa thoát nghèo

Đến tháng giữa tháng 5 vừa qua, chanh leo bói lứa trái đầu tiên, ông thu hoạch được khoảng 10 tấn chanh leo, thu hơn 200 triệu đồng. Sau khi trừ đi hết chi phí đầu tư ban đầu, ông lãi 50 triệu đồng.

Đến vụ thứ 2, không phải đầu tư nhiều như vụ đầu tiên nên ông lãi khoảng hơn 100 triệu đồng. Cộng dồn 2 vụ ông lãi 150 triệu đồng từ vườn chanh leo gần 1ha.

"Hơn 60 tuổi đầu, đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thu được nhiều tiền thế này trên mảnh vườn nhà", ông chia sẻ.

Ông Lâm Hùng – một hộ trồng chanh leo thử nghiệm tại xã Tân Lập (Hướng Hóa) cũng thừa nhận, chanh leo là cây trồng cho lợi nhuận rất cao. Nhà ông có 0,3ha chanh cho trái năm nay mà cũng thu được cả 100 triệu đồng.

“Mới đầu chưa dám trồng nhiều vì sợ thất bại. Giờ thấy hiệu quả rõ dệt nên dịp vừa rồi tôi vừa phá bỏ toàn bộ vườn cà phê cằn cỗi, bỏ hoang đã nhiều năm nay để chuyển sang trồng chanh leo”, ông khoe.

Đưa chanh leo thành cây trồng xóa đói giảm nghèo

Trao đổi với PV. VietNamNet, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, Hướng Hóa là một  huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Trị. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Đất đai tương đối màu mỡ nhưng chủ yếu lại chỉ trồng chuối, tiêu và cà phê. Những năm gần đây tiêu và cà phê trượt giá, người dân bỏ không chăm sóc, thành ra vườn tược cỏ dại mọc um tùm.

Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh muốn tìm một cây trồng phù hợp với vùng đất này để vận động người dân chuyển đổi.

Giữa năm 2018, sau một thời gian cho cán bộ nông nghiệp đi thăm quan nhiều mô hình trồng cây ở các tỉnh khác để học hỏi, tỉnh Quảng Trị quyết định đưa cây chanh leo về trồng thử nghiệm trên đất Hướng Hóa với diện tích 12ha. Mô hình trồng chanh leo này có liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi khép kíp từ trồng trọt đến chế biến.

“Việc liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp nông sản đảm bảo chất lượng, nông dân có đầu ra tốt, giá cả ổn định, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như  nông dân ở những vùng khác”, ông Đồng chia sẻ.

Qua chuyến kiểm tra thực tế tại mô hình trồng chanh leo thử nghiệm ở Hướng Hóa, ông Hà Sỹ Đồng cho rằn, kết quả của mô hình thử nghiệm cho thấy cây chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với đất đai, khí hậu ở Hướng Hóa và một số nơi ở Quảng Trị, có khả năng cho năng suất cao và chất lượng tốt. Quyết định cây chanh leo thành cây trồng chủ lực để giúp người dân Hướng Hóa xóa đói giảm nghèo.

Theo đó, thời gian tới, tỉnh sẽ bố trí nguồn lực, hỗ trợ các địa phương liên kết, hợp tác với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc mở rộng diện tích và khi đủ điều kiện xây dựng Nhà máy chế biến tại huyện Hướng Hóa.

UBND tỉnh đề nghị các địa phương rà soát hiện trạng quỹ đất, quy hoạch vùng trồng, thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác tổ chức sản xuất vụ mới, doanh nghiệp cử cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng như xây dựng kế hoạch và phương án chi tiết về công tác thu mua. Đối với người dân khi tham gia trồng chanh leo phải tuân thủ đúng quy trình đã được tập huấn và thực hiện đúng các cam kết với doanh nghiệp, nhất là không bán sản phẩm ra bên ngoài cho thương lái…

Hiện diện tích trồng chanh leo ở Hướng Hóa đã tăng lên 100ha, thời gian tới dự kiến sẽ thành vùng chuyên canh với diện tích khoảng 500ha, ông Đồng cho hay.

Bài: Trần Duy Khánh - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Tuấn Anh - Nhóm PV