Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) có 11 xã đều thuộc diện khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng chiếm 95%.  Địa hình bị chia cắt, đất canh tác gặp khó khăn. Vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong huyện đều lập kế hoạch, lộ trình và giải pháp phù hợp với thực tế. 

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình, đến nay các xã trong huyện đã có nhiều thay đổi đáng ghi nhận. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều toàn huyện là 10,50%. Trong đó, giảm 562 hộ nghèo (tỷ lệ giảm 8,48%), số hộ nghèo còn lại 2.297/7.050 hộ (chiếm tỷ lệ 32,58%); giảm 137 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ giảm 2,02%), số hộ cận nghèo còn lại là 295/7050 (chiếm tỷ lệ 4,18%).

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Tu Mơ Rông đã ban hành chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi lấy thế mạnh cây dược liệu để phát triển kinh tế. Năm 2024, Tu Mơ Rông đề ra mục tiêu phát triển tổng diện tích cây dược liệu là 3.137ha, trong đó, cây sâm Ngọc Linh là 2.842,37 ha (trồng mới là 495 ha gồm trồng mới trong dân là 13,50 ha, trồng mới trong doanh nghiệp là 481,50 ha) và các loại dược liệu khác như sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra 295,24 ha (trồng mới trong dân là 237ha).

trong sam.png
Nông dân trồng sâm ở Tu Mơ Rông

Năm 2024 huyện cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư để liên kết các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tăng gia sản xuất và tăng thu nhập. Tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình giao thông, thủy lợi; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị gia tăng, đẩy mạnh Chương trình OCOP; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. 

Đến năm 2025, huyện Tu Mơ Rông đặt mục tiêu có tối thiểu 3 xã về đích nông thôn mới. UBND huyện xác định rõ kim chỉ nam trong Chương trình này là lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo từng giai đoạn, có bước đi, lộ trình bài bản, khoa học sát với yêu cầu thực tiễn.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ quan trọng

Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình mang tính lâu dài, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Tu Mơ Rông đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã căn cứ theo nhiệm vụ của đơn vị/ địa phương mình triển khai nhiệm vụ thông tin tuyên truyền các nội dung trên địa bàn và các chính sách, văn bản của Trung ương một cách hiệu quả, phù hợp.

Công tác tuyên truyền được lồng ghép thông qua các buổi hội họp, đối thoại trong cộng đồng. Một số đơn vị đã chủ động cân đối nguồn kinh phí được giao để triển khai. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2024, UBND xã Đăk Rơ Ông bố trí 5 triệu đồng; UBND xã Đăk Tờ Kan là 14 triệu đồng; UBND xã Tu Mơ Rông bố trí 14 triệu đồng cho công tác thông tin, tuyên truyền...

Nhờ công tác tuyên truyền thông tin, người dân đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và cùng chung tay với chính quyền cơ sở. Các chương trình triển khai thu hút người dân tham gia như: “Huyện Tu Mơ Rông chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”; cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” (UBND các xã đã vận động nhân dân xây dựng được 23 mô hình hưởng ứng); phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”...

Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã giảm trông chờ, ỷ lại mà chủ động vươn lên, tự tin hơn, thu nhập cũng từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa , khu thể thao... được đầu tư đã góp phần đẩy mạnh thông thương hàng hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.