Lãnh đạo UBND huyện Sông Hinh cho biết huyện miền núi này có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, với 47,9% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của người dân nơi đây những năm qua đã có đổi thay sâu sắc theo hướng tích cực nhờ nguồn đầu tư, quan tâm của Nhà nước.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế của người dân ở một số xã, thôn, buôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo còn cao. Cuối năm 2023, số hộ nghèo dân tộc thiểu số ở huyện còn 738 hộ, chiếm tỷ lệ gần 78% hộ nghèo. Thu nhập bình quân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số 6 tháng đầu năm 2024 đạt 41,3 triệu đồng/người/năm...

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu cuối năm nay giảm 418 hộ nghèo; nhiều nhất là xã Ea Trol 96 hộ, xã Ea Bar 90 hộ, xã Ea Lâm 59 hộ, xã Ea Bá 53 hộ, thị trấn Hai Riêng 42 hộ, xã Ea Bia 24 hộ, xã Đức Bình Đông 19 hộ, xã Ea Ly 17 hộ, xã Sơn Giang 8 hộ. Xã ít nhất là Đức Bình Tây, giảm 3 hộ.

Để thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo về 3,28% vào cuối năm nay, huyện Sông Hinh triển khai các chính sách hỗ trợ người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo như hỗ trợ tiền điện, vay vốn tín dụng ưu đãi, giáo dục, bảo hiểm y tế... bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Cùng với đó, huyện Sông Hinh triển khai nhiều dự án, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình khác để giúp bà con có kế sinh nhai, thoát nghèo đa chiều. 

Gia đình anh Ksor ĐHăng ở buôn Bá, xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) từng là hộ nghèo do không biết cách làm ăn. Được mời tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt…, vợ chồng anh ĐHăng mạnh dạn chuyển sang nuôi bò lai, nuôi dê, trồng sắn cao sản, mang lại hiệu quả cao. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình dần được cải thiện.

Năm 2024, huyện tập trung triển khai thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 1 - Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Tiểu dự án 2 - Dự án 3: Cải thiện dinh dưỡng; Tiểu dự án 1 - Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp... đều thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Gia đình ông Lê Văn Kiên, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, là một trong những hộ được hỗ trợ con giống phát triển sản xuất thông qua nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ông được hỗ trợ 3 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và 16 triệu đồng mua con giống.

Ông Kiên lựa chọn con giúi để phát triển sản xuất hộ gia đình. Tuy là đối tượng nuôi mới ở địa phương nhưng ông vẫn mạnh dạn lựa chọn vật nuôi này bởi nhiều ưu điểm, nuôi nhanh, lãi nhuận cao, đỡ tốn kém. 

Cùng với gia đình ông Kiên, nhiều gia đình ở huyện Sông Hinh được hưởng lợi từ dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn vay của chương trình, nhiều gia đình đầu tư chuồng trại, mua cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.

HIện trên địa bàn huyện hình thành nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, như bò lai sinh sản, dê sinh sản, heo đen sinh sản hay gà thương phẩm. Nhiều gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo chia sẻ mong muốn được mở rộng phát triển nếu có điều kiện. 

W-nong thon moi   Bac giang 12.jpg
Nhờ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình MTQG trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, diện mạo nhiều địa phương thay đổi sâu sắc.

Tính theo dự án 2 (đa dạng hoá sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo) và tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 (hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp), đến giữa năm 2024, UBND huyện Sông Hinh có hàng chục quyết định phê duyệt dự án tại 10 xã, thị trấn hỗ trợ vốn chăn nuôi cho các hộ gia đình. 

Nhiều địa phương tổ chức giám sát theo dõi, hướng dẫn các hộ dân sử dụng vốn hiệu quả. Đơn cử, tại thị trấn Hai Riêng, với nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo, thị trấn quan tâm các hộ dân thực hiện mô hình; chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm bắt phát triển vật nuôi, nhắc nhở hộ dân chăm sóc kỹ, thực hiện đúng cam kết khi bắt đầu thực hiện mô hình.