"Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là Dự án số 8 trong 10 dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Dự án hướng tới đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

Qua đó đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Tân lạc
Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới của Hội phụ nữ huyện Tân Lạc, Hoà Bình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Lạc tích cực phát huy vai trò

Tân Lạc là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiến 89,37% dân số. Đến nay, theo phân định khu vực thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn, có 146/159 xóm, khu thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó 5 xã đặc biệt khó khăn và 26 xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực I.

Nhờ triển khai tốt các chính sách dân tộc, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, trong đó phải kể đến công tác phụ nữ và trẻ em.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Lạc luôn chú trọng và quan tâm thực hiện tốt công tác này. Hiện nay, tại các xã hưởng lợi từ Dự án 8 Chương trình MTQG 1719 đã thành lập 70 tổ truyền thông cộng đồng; 1 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, đồng làm chủ ứng dụng công nghệ; 10 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; 10 mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng.

Thông qua các tổ nhóm là cánh tay trực tiếp tuyên truyền, vận động trực tiếp thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; Giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Cùng với đó, Hội đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực của đời sống, tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Hội cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu, hội thi, nói chuyện chuyên đề, các chiến dịch truyền thông... với nội dung về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, tập trung phối hợp cùng các ban, ngành tăng cường tổ chức hoạt động tuyên truyền đến từng thôn, bản; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu chia sẻ về bình đẳng giới tại các đơn vị trường học.

Những năm gần đây trên địa bàn huyện Tân Lạc chưa ghi nhận trường hợp bạo hành phụ nữ, bạo hành gia đình xảy ra cần cơ quan chức năng phải vào cuộc. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường và có điều kiện để học tập đầy đủ. Có được những kết quả trên không thể thiếu vai trò tích cực của Hội LHPN huyện.