Ngày 31/5, tay vợt người Thụy Sĩ đã chia sẻ loạt ảnh trong chuyến du lịch tới các nước châu Á cùng dòng mô tả: "Một chuyến đi đáng nhớ. Châu Á thật tuyệt. Tôi nên đi đâu tiếp đây?".

Người theo dõi tay vợt có thể dễ dàng nhận ra hai tấm hình được anh chụp tại Hội An, Việt Nam.

Trước đó, một số người hâm mộ đã bắt gặp Roger Federer cùng gia đình nghỉ dưỡng tại một khách sạn 5 sao ở Hội An (Quảng Nam) vào đúng dịp lễ 30/04 - 01/05.

Cầu Vàng tại Đà Nẵng và những chiếc đèn hoa đăng trên sông Hoài thơ mộng ở Hội An là hai hình ảnh được tay vợt huyền thoại ghi lại trong chuyến đi tới "mảnh đất hình chữ S" lần này.

Ngay sau đó, bài đăng của Federer đã lập tức gây sốt với hàng trăm nghìn lượt thích. Nhiều du khách quốc tế có cơ hội du lịch ở Việt Nam đã để lại những bình luận khen ngợi.

"Hội An là một nơi tuyệt vời với những chiếc đèn lồng. Người Việt Nam rất mến khách. Ẩm thực Việt cũng là một trong những nền ẩm thực ngon nhất châu Á. Hãy tận hưởng chuyến đi của mình nhé", một người dùng bình luận bên dưới bài đăng của Federer.

Ngoài hai tấm hình chụp tại Việt Nam, Federer còn đăng tải thêm những hình ảnh về Hồng Kông (Trung Quốc). Trước Việt Nam, điểm đến gần nhất của anh là Thái Lan.

Từng được mệnh danh là "tàu tốc hành", Roger Federer là một trong những tay vợt vĩ đại bậc nhất lịch sử banh nỉ thế giới với 20 Grand Slam gồm 6 Australian Open, 1 Roland Garros, 8 Wimbledon và 5 US Open.

Tháng 09/2022, Federer tuyên bố giải nghệ để dành thời gian cho gia đình và từ thiện. Trên trang cá nhân, tay vợt nổi tiếng thường xuyên khoe ảnh đi du lịch, khám phá nhiều điểm đến ở khắp nơi trên thế giới. 

Cầu Vàng (Đà Nẵng) - Hội An

Cầu Vàng là công trình nằm trong một quần thể du lịch ở Đà Nẵng. Cây cầu này tọa lạc ở vị trí lưng chừng núi và ở độ cao hơn 1400m so với mực nước biển. Thời điểm ra mắt, Cầu Vàng từng gây “chấn động” thế giới không chỉ bởi vị trí độc đáo mà còn bởi thiết kế hình hai bàn tay nâng đỡ vô cùng ấn tượng.

Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam, phố cổ Hội An cho đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn với hơn 1.000 di tích kiến trúc xưa từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… Chính vì lẽ đó, nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào ngày 04/12/1999.

Tổng hợp