Yên Dũng là một huyện ở vùng miền núi và trung du của tỉnh Bắc Giang. Yên Dũng được bao bọc bởi 3 con sông là sông Thương, sông Cầu, và sông Lục Nam.
Chương trình xây dựng NTM chính là cơ hội để người dân huyện Yên Dũng trở thành chủ thể, làm thay đổi cuộc sống. Sự thụ hưởng về kinh tế, văn hóa là giá trị cốt lõi mà NTM đem lại cho người dân. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện Yên Dũng đã thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm; kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở trường học từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
Để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, địa phương tiếp tục chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, huyện có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10 khu dân cư kiểu mẫu.
Kết thúc năm 2022, toàn huyện có 3 xã về đích đạt chuẩn NTM nâng cao, 08 thôn về đích Nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 5 sản phẩm đạt hạng 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn là 13 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao.
Giai đoạn 2021-2025, Yên Dũng tiếp tục phát động phong trào thi đua “Yên Dũng chung sức xây dựng NTM” và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện Chương trình.
Riêng năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao tiêu chí huyện NTM, có thêm 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 08 xã, chiếm 50%; phấn đấu 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 12,5%. Có thêm 13 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 31 thôn. Nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn: tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,6%; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 64-65 triệu đồng/người/năm.
Và đến năm 2025, toàn huyện có 12 xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 40 thôn dân cư kiểu mẫu.
Lãnh đạo huyện xác định, xây dựng NTM phải liên tục, xác định vai trò trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong xây dựng NTM và phải có kế hoạch và lộ trình triển khai và xây dựng các tiêu chí. Bởi vậy, huyện đã đề nghị các địa phương cần tiếp tục quan tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Việc triển khai, thực hiện các tiêu chí NTM và chương trình mỗi xã 1 sản phẩm cần thực sự quyết liệt, hiệu quả; Tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới; tích cực, năng động sáng tạo hơn nữa, đồng tâm hiệp lực xây dựng nông thôn mới đạt được kế hoạch đề ra.
Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới huyện tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ đối với các xã phấn đấu đạt chuyển nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu với mức 2,3 tỷ đồng/xã. Đối với các thôn phấn đấu thôn nông thôn mới kiểu mẫu duy trì mức hỗ trợ 500 triệu đồng/thôn. Bên cạnh đó, huyện lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình khác của trung ương, của tỉnh, huyện vào thực hiện các nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Huyện cũng đặc biệt chú trọng việc tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia Chương trình OCOP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển theo hướng gia tăng giá trị, thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP; Duy trình các sản phẩm OCOP đã được công nhận và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng có thế mạnh, tham gia Chương trình OCOP; tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện; Ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Yến Hưng