“Bỏng tay” với giá rau củ

Tranh thủ đi chợ để về kịp nấu bữa trưa, chị Vũ Thị Châu (sống tại Quận 5) phải mất hơn 30 phút để đi các sạp hàng tìm mua ớt vì nhiều tiểu thương không muốn bán lẻ. Thậm chí, nhiều sạp hàng tiểu thương không nhập ớt về bán do giá quá cao.

“Giá ớt giờ toàn tiền trăm nên mình mua lẻ vài nghìn cũng khó, 1 kg ớt gần bằng 1 kg thịt lợn. Trước đây ra chợ khi mua rau nhiều tôi thường xin thêm một vài trái ớt, người bán còn cho thêm” - chị Châu cho biết.

Tại các chợ truyền thống ở TPHCM giá ớt xanh có giá 110.000-120.000 đồng/kg, ớt sừng 120.000 – 130.000 đồng/kg. Còn ớt hiểm có giá 150.000-170.000 đồng/kg, tuy nhiên loại ớt này hiện đang khan hàng, nhiều tiểu thương không có hàng để bán.

 

Giá rau, củ tại các chợ truyền thống tăng cao. Ảnh: Ngọc Lê

Không chỉ riêng ớt, giá cà chua tại các chợ truyền thống hiện cũng đang leo thang. Bà Thu Hiền, tiểu thương tại chợ Lê Hồng Phong (Quận 10) cho biết: “Mấy ngày nay giá cà chua cao nên khi có hàng tôi thường nhập nhiều một chút để dành bán dần, sợ vài bữa khan hàng không có để bán. Giá cao nên khách người ta mua 1-2 trái mình cũng khó bán".

Theo khảo sát của Lao Động, tại chợ Bến Thành (Quận 1), chợ Lê Hồng Phong (Quận 10), chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 5),... cà chua có giá 48.000- 60.000 đồng/kg loại 1, loại 2 (xấu, hơi dập) giá 45.000 đồng/kg. Ngoài ra, các mặt hàng rau xanh khác cũng tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg.

Nguồn cung thiếu hụt

Theo lý giải của các tiểu thương, thời gian này giá các loại ớt, cà chua, rau xanh tăng cao là do thời tiết thay đổi, sâu bệnh khiến nhiều vùng trồng bị thiệt hại, diện tích trồng bị thu hẹp. 

"Lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà vườn tôi cũng chỉ trồng cầm chừng. Mặc dù biết giá rau củ hiện đắt nhưng không có hàng để bán, phải tầm một thời gian nữa mới có vụ mới cho thu hoạch" - ông Mai Văn Hiếu, nhà vườn trồng rau tại Quận 12 cho biết.

 

Giá cà chua, ớt leo thang tại các chợ truyền thống ở TPHCM. Ảnh: Ngọc Lê

Còn tại các vùng trồng ở miền Tây và thủ phủ Đà Lạt, cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nông dân vẫn lo ngại nên hạn chế trồng vụ mới dẫn đến nguồn cung thiếu hụt.

Trong khi đó, giá thịt heo tại thị trường TPHCM vẫn ở mức ổn định dù đang bước vào thời điểm cuối năm. Cụ thể, giá thịt heo đang bán dao động trong khoảng 129.900 - 189.900 đồng/kg (tuỳ loại).

Theo Sở Công Thương TPHCM, nhằm phục vụ cho Tết Nguyên đán 2022, các doanh nghiệp ở TP chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trị giá gần 19.900 tỉ đồng, tương đương Tết Tân Sửu năm 2021. Trong đó, nguồn hàng của các doanh nghiệp bình ổn thị trường là hơn 7.200 tỉ đồng, đáp ứng cho 25%-40% nhu cầu.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, với nguồn hàng chuẩn bị này, các doanh nghiệp đảm bảo dự trữ hàng hóa đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng cho dịp Tết. Riêng nhóm thực phẩm thiết yếu như: lương thực, thực phẩm chế biến, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm và trứng... của doanh nghiệp bình ổn đủ sức chi phối thị trường.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM cũng phối hợp với các quận, huyện và cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh để các chợ đầu mối và chợ truyền thống hoạt động trở lại trong dịp Tết này.

(Theo Lao Động)

'Bỏng tay' với giá rau củ tăng dựng đứng gấp 2-3 lần

'Bỏng tay' với giá rau củ tăng dựng đứng gấp 2-3 lần

Cà chua, đậu bắp… tăng dựng đứng, gấp 2-3 lần so với hồi đầu tháng khiến bà nội trợ TP.HCM ngao ngán.