Sản phẩm Apple nổi tiếng với người dùng bởi tính dễ sử dụng, tuy nhiên lại khiến cho các kỹ thuật viên sửa chữa bên thứ ba luôn phải đau đầu. Bởi lẽ, trong suốt nhiều năm qua, Apple luôn tạo ra những hạn chế trong sản phẩm của mình để không một ai, ngoại trừ chính Apple, có thể sửa chữa chúng.
Chỉ riêng với iPhone, trong những năm vừa qua, nhiều thành phần quan trọng như cảm biến vân tay Touch ID, camera Face ID, màn hình và pin đều đã được Apple thiết kế để không một bên sửa chữa thứ ba nào có thể thay thế chúng một cách hoàn chỉnh.
Ví dụ với iPhone 12 năm ngoái, nếu camera của máy bị thay thế, thông báo "Camera không chính hãng" sẽ xuất hiện, kể cả khi chiếc camera đó được "bóc máy" từ một chiếc iPhone khác. Với iPhone 11, Apple có một cơ chế tương tự nếu iPhone bị thay màn hình bởi các bên thứ ba. Còn với iPhone Xs/XR, nếu người dùng để bên thứ ba thay pin trên những chiếc iPhone Xs/XR trở đi, thông báo "Pin không chính hãng" cũng sẽ xuất hiện, và người dùng sẽ không thể theo dõi tình trạng chai pin như nguyên bản.
Với iPhone 13, Apple tiếp tục cho thấy những động thái nhằm cản trở các bên sửa chữa thứ ba. Lần này, thành phần bị Apple tạo ra hạn chế là màn hình và tính năng Face ID.
Cụ thể, nếu người dùng thay màn hình iPhone 13 tại các trung tâm sửa chữa không phải của Apple, họ sẽ mất tính năng nhận diện khuôn mặt Face ID, mặc dù hai thành phần linh kiện này vốn chẳng có chút liên quan nào đến nhau.
Điều đáng nói là điều này xảy ra ngay khi chiếc iPhone được thay thế màn hình chính hãng, được bóc tách từ một chiếc máy khác. Theo thử nghiệm của kênh Youtube Phone Repair Guru, khi tráo màn hình của một chiếc iPhone 13 với màn hình của một chiếc iPhone 13 khác, tính năng Face ID lập tức báo lỗi "không khả dụng". Ngoài ra, anh này còn nhận được thông báo "Màn hình không chính hãng" như đã nói ở trên.
Đây được cho là cách mà Apple khuyến khích người dùng thay thế màn hình tại các Apple Store trung tâm sửa chữa uỷ quyền. Tuy nhiên, số tiền mà Apple đòi hỏi để thay thế màn hình là không hề rẻ. iPhone 13 Pro Max có giá thay màn hình là 329 USD, iPhone 13 Pro và iPhone 13 là 279 USD và iPhone 13 mini là 229 USD. Vì vậy, không ít người đã tìm đến các bên sửa chữa thứ ba nhằm có được một mức giá hợp lý hơn.
Thực tế, trên những thế hệ iPhone 11 và iPhone 12 trước đó, các kỹ thuật viên nhỏ lẻ đã tìm được nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này. Đó là một con IC nằm trên màn hình, được Apple thiết lập để nó trở nên độc nhất với một chiếc iPhone duy nhất. Để thông báo màn hình không chính hãng không hiện lên, kỹ thuật viên sẽ cần lấy con IC từ màn hình cũ bằng cách khò nhiệt, sau đó hàn nó sang màn hình mới.
Quá trình này được đánh giá là tồn tại nhiều rủi ro và khiến cho việc thay thế màn hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Thế nhưng, khi mà Apple đã "khoá cứng" tính năng Face ID trên iPhone 13, đây sẽ trở thành một điều bắt buộc nếu người dùng muốn thay màn hình ở các bên sửa chữa thứ ba.
(Theo Pháp luật & Bạn đọc)
Apple bị phạt 43 tỷ đồng vì bán iPhone 13 không kèm bộ sạc
Cơ quan quản lý bảo vệ người tiêu dùng Brazil sẽ phạt Apple 1,9 triệu USD do iPhone 13 series được bán ra không đi kèm củ sạc.