Đại dịch Covid-19 đã cho thấy chuỗi sản xuất mỏng manh như thế nào. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa do sự bùng phát của dịch bệnh. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Ngay cả khi những nhà máy ở Trung Quốc hoạt động trở lại, các công ty vẫn phải đối mặt với sự gián đoạn trong vận chuyển cả đường bộ lẫn đường hàng không.
Các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất cho biết, trong năm ngoái, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, tình hình đã trở nên vô cùng khó khăn, các nhà máy tại Mỹ không đủ khả năng bù đắp sự thiếu hụt trên.
Đó cũng là lý do vì sao trong tháng 1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp nhằm củng cố chiến lược "Buy American" (tạm dịch: Mua hàng Mỹ), khuyến khích chính phủ liên bang chi ngân sách hàng tỷ USD để mua hàng hóa có 75% các bộ phận được sản xuất tại Mỹ. Ông hy vọng động thái này sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại Mỹ, khiến cho các công ty tái đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tại quê nhà.
Ông Biden không đơn độc khi cố gắng giải quyết vấn đề này. Trong tháng 4, CEO Tim Cook của Apple đã cam kết sẽ chi 430 tỷ USD cho các khoản đầu tư tại Mỹ nhằm tạo thêm 20.000 việc làm trong 5 năm tới đối với các lĩnh vực, bao gồm mạng không dây 5G, trí tuệ nhân tạo và bộ xử lý silicon.
Dù với khoản đầu tư hàng tỷ USD, Apple và Tim Cook vẫn khó có thể biến Mỹ trở thành nơi sản xuất các thiết bị chủ chốt của hãng. iPhone - con gà đẻ trứng vàng của Apple - rất có thể sẽ tiếp tục được lắp ráp tại các nhà máy ở Trung Quốc trong nhiều năm tới.
Các chuyên gia cho rằng, để tạo ra sự thay đổi, Mỹ sẽ cần phải dành nhiều năm đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới, đồng thời trợ cấp cho các công ty để có thể bù đắp khoản chênh lệch về mức lương và các chi phí so với nước ngoài. Mỹ cũng cần xây dựng lại hệ thống giáo dục và học nghề để cải thiện nguồn lao động cho công việc sản xuất và thuyết phục mọi người rằng đây là một nghề nghiệp đáng tham gia.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu cho các sản phẩm mà người Mỹ yêu thích, như điện thoại di động, xe hơi, máy tính, đồ nội thất, cũng cần được đem trở lại Mỹ.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất mà ngành sản xuất của Mỹ phải đối mặt có lẽ nằm ở người dùng. Mặc dù cuộc thăm dò về chiến lược "Buy American" mang lại kết quả tương đối khả quan, nhưng những người dùng tại Mỹ vẫn sẽ mua một món đồ cho dù nó đến từ bất cứ đâu.
Chiến lược "Buy American"
Nhiều năm trước, các công ty sản xuất xe hơi, thuốc hay đồ chơi đều sản xuất sản phẩm của họ tại Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại, trong tủ quần áo của hầu hết hộ gia đình Mỹ đều xuất hiện sản phẩm từ các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh hoặc Colombia. Những món đồ chơi cũng được sản xuất ở Trung Quốc, Indonesia, Mexico và nhiều nơi khác.
Trong ngành công nghệ, khi các tiện ích và thiết bị thông minh ngày càng trở nên tiên tiến và gắn liền với cuộc sống, mạng lưới này đã mở rộng ra rất nhà cung cấp và nhà sản xuất trên toàn thế giới.
Mọi thứ dường như vận hành một cách trơn tru cho đến khi đại dịch bùng phát. Các nhà máy tại châu Á ngừng hoạt động gây ra tình trạng khủng hoảng trong ngành xe hơi, thiếu nhiều loại thuốc, thậm chí tỏi cũng trở nên khan hiếm. Ngay cả Apple, công ty được biết đến với chuỗi cung ứng phức tạp bậc nhất thế giới, cũng đã đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn cung linh kiện.
Tổng thống Biden tin rằng sức mua hàng nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang sẽ giúp thuyết phục các công ty tái đầu tư tại Mỹ, ngay cả khi đại dịch qua đi. Trên thực tế, việc sản xuất nhiều sản phẩm hơn ở Mỹ là một ý tưởng mà nhiều vị Tổng thống đã cố gắng thúc đẩy. Cựu Tổng thống Donald Trump từng hứa rằng sẽ mang nhiều công việc trở về Mỹ và một số công việc đã quay trở lại trong khoảng thời gian ông tại vị.
Ông Biden kỳ vọng sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn những người tiền nhiệm bằng cách thành lập một nhóm chuyên biệt với tên gọi "Made in America" trong Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
Đại dịch khiến mọi thứ thay đổi
Trong vài năm gần đây, lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã có một số tín hiệu tích cực. Công việc sản xuất đã ổn định trở lại kể từ cuối năm 2009. Tuy nhiên, quy mô của lĩnh vực này vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm là 19,5 triệu việc làm như vào năm 1979. Ngành sản xuất tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thập kỷ sau năm 2000, mất đi hơn 5 triệu việc làm.
Hiện nay, đại dịch và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ thuyết phục các công ty đầu tư trở lại vào lĩnh vực này. Ba trong số các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới bao gồm Intel, TSMC và Samsung, đã cam kết đầu tư tổng cộng khoảng 42 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip mới có trụ sở tại Arizona và Texas.
Với Apple, hãng đã đưa ra cam kết trị giá 430 tỷ USD dành cho các lĩnh vực như sản xuất chip và mạng không dây 5G. Apple cũng đem dây chuyền sản xuất máy tính Mac trở lại Mỹ vào năm 2019.
Tuy nhiên, máy tính Mac chỉ chiếm 10% doanh số của Apple vào năm ngoái. Thậm chí, máy tính Mac Pro dành riêng cho công việc thiết kế cho đồ họa chuyên nghiệp, chỉnh sửa âm thanh và video, không nằm trong số những máy tính bán chạy nhất.
Theo Dantri/CNet
Ngắm mẫu iPhone 13 Pro sắp ra mắt với màn hình 120Hz đẹp long lanh
Mẫu iPhone 13 Pro và iPhone 13 Pro Max vừa lộ diện với các chi tiết dựa trên những tin đồn mới nhất về siêu phẩm sắp ra mắt này.