Trong tuần vừa qua, thế giới đã lại đón thêm một mẫu smartphone "tai thỏ" đến từ một thương hiệu đình đám. Nokia X6, sản phẩm Android giá rẻ mới nhất của Nokia, đã trở thành chiếc smartphone tiếp theo có màn hình "tràn" kèm... một cái rãnh ở giữa.
Cũng giống như khi ASUS vén màn ZenFone 5, khi LG ra mắt G7, khi Huawei công bố P20 hay khi Google chính thức hỗ trợ "rãnh" trên Android P, những tranh cãi giữa các fan Apple và các fan Android lại nổ ra. Liệu có phải các hãng Android đang chạy theo hình ảnh của Apple?
Hai cái "rãnh" khác nhau
Câu trả lời là "không". Trước khi Apple ra mắt iPhone X hẳn vài tháng, Essential Phone – hãng smartphone của "cha đẻ Android" Andy Rubin đã trở thành tên tuổi đầu tiên tiếp cận smartphone tràn màn hình bằng cách cắt rãnh ở giữa cho camera.
Nhưng câu chuyện không dừng ở đây. Hãy nhìn vào cái rãnh của Essential Phone và bạn sẽ thấy hướng tiếp cận của Andy Rubin là tạo ra một phần cắt rất nhỏ hình chữ U, chỉ vừa chỗ cho camera trước:
Còn Apple thì khác. Apple "cắt rãnh" để chèn loa thoại và đặc biệt là bộ camera True Depth có kích cỡ lớn hơn hẳn so với camera "thường". Trong khi Essential Phone có thể coi là màn hình loại thường bị cắt một chữ "U" nhỏ ở giữa, "rãnh" của iPhone X tạo thành hình dáng vẫn được người Việt quen gọi là "tai thỏ".
Đặt chúng cạnh nhau và bạn sẽ thấy cách tạo hình bằng "rãnh" của hai hãng không hề giống nhau:
Đây chính là những tranh cãi trở nên rõ ràng. Đúng vậy, Essential – một hãng Android – mới là kẻ đầu tiên "cắt rãnh" trên màn hình smartphone. Nhưng các nhà sản xuất Android khác học theo kiểu dáng cắt chữ "U" của Essential Phone hay kiểu "tai thỏ" của Apple?
Câu trả lời không khó để nhận ra. Hãy nhìn lại một vài mẫu smartphone Android ra mắt gần đây:
Các hãng Android muốn nhìn giống Apple
Không khó để nhận ra rằng các hãng Android đều đang tạo hình "tai thỏ" giống Apple. Chẳng có ai tạo hình như Essential Phone cả. Và thực tế là, trong suốt nửa năm trời từ khi Andy Rubin vén màn Essential Phone cho đến khi Apple ra mắt iPhone X, không một hãng Android nào "học hỏi" thiết kế từ Essential Phone. Đến khi iPhone X thực sự ra mắt, smartphone Android có "rãnh" theo kiểu "tai thỏ" lại mọc lên như nấm sau mưa.
Một điểm khác rất đáng chú ý là các hãng Android không cần phải tạo ra "rãnh" theo kiểu tai thỏ như Apple! Hiện tại, iPhone X vẫn đang là mẫu smartphone duy nhất trên thị trường có thể thực hiện xác thực khuôn mặt qua mô hình 3D (không phải là ảnh 2D dễ qua mặt như Android). Smartphone Android không cần phải tạo rãnh lớn như iPhone X, thay vào đó chỉ cần cắt chữ "U" như Apple mà thôi.
Mục đích duy nhất để các hãng Android chạy theo Apple như vậy là đã rõ. Sau hàng năm trời copy thiết kế lưng phẳng bo tròn của iPhone 6, giờ họ tạo "tai thỏ" trên sản phẩm của mình chỉ là để nhìn giống với iPhone X mà thôi. Thậm chí, nếu để ý, bạn sẽ thấy smartphone Android có "tai thỏ" cũng thường sử dụng hình nền theo phong cách "màu pha" như iPhone X:
Ngưng chống chế
Mới chỉ tháng trước, một cuộc khảo sát của Android Authority với 50,000 người dùng cho thấy có tới 75% các fan của Android ghét "tai thỏ". Phần lớn số còn lại hờ hững, chỉ có khoảng 5% tỏ ý "thích" tai thỏ" trên Android.
Ấy vậy mà khi ra mắt OnePlus 6, CEO của OnePlus thậm chí còn lên tiếng "dạy" các fan của Android: "Hãy học cách yêu cái rãnh". Câu status bị xóa đi chỉ vài tiếng sau khi đăng tải vì nhận quá nhiều lời chỉ trích từ chính các fan của Android.
Bởi "cái rãnh" dạng tai thỏ không có lý do gì để tồn tại trên smartphone Android cả. Chưa một hãng Android nào tạo ra được camera TrueDepth trên smartphone hoàn thiện như Apple và bởi vậy không cần phải kéo dài cái "rãnh" ra thành tai thỏ. Khi tạo hình "tai thỏ", các hãng Android chỉ muốn tập trung vào một thị trường khá đặc thù: những người muốn mua iPhone nhưng không đủ kinh phí nên đành phải mua Android.
Qua một thập kỷ phát triển, Android không đáng bị coi thường đến vậy. Chính các OEM Android đã từng đưa ra nhiều sáng tạo tuyệt vời để Apple học theo, trong đó đáng chú ý nhất là trào lưu màn hình lớn do Samsung khởi xướng. Ấy vậy mà đến tận bây giờ, nhiều thương hiệu Android khác lại vẫn kệch cỡm chạy theo Apple bằng cách học một tính năng không có ý nghĩa thực tế (với sản phẩm của họ) và cũng chẳng mấy ai yêu thích.
"Cái rãnh" của Essential Phone chỉ là một cái cớ để che giấu đi sự kệch cỡm này. Càng bao biện về "cái rãnh", các thương hiệu Android sẽ càng trở nên lố bịch. Apple có thể vẫn là thương hiệu smartphone số 1 trên phân khúc tầm cao, nhưng không phải bất cứ thứ gì Apple làm đều hoàn hảo. Thay vì chạy theo Apple một cách mù quáng, Android nên quay trở về với con đường tự lực sáng tạo để có thể thực sự thoát khỏi cái bóng hình quả Táo đang bao trùm lên cả thế giới Android.
Theo GenK