Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần IPP Air Cargo đồng thời là vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn ngày 27/10 vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam về việc xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.
Theo tờ trình ngày 14/1/2022 kèm Hồ sơ xin phê duyệt cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo, đến thời điểm này, về cơ bản công ty đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh vận chuyển hàng không và vận chuyển hàng không chung cũng như các quy định khác.
Tuy nhiên, lý giải vì lý do xin dừng cấp phép bay, Tổng giám đốc IPP Air Cargo cho rằng, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng leo thang; kinh tế toàn cầu suy thoái ngày càng hiện hữu do lạm phát, lãi suất tăng, gánh nặng nợ ngày càng nhiều, biến động về giá nhiên liệu... tình hình có thể kéo dài đến hết năm 2023-2024.
Dựa trên cơ sở đó, đại diện IPP Air Cargo bày tỏ lo ngại rằng tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng.
Do đó, Công ty IPP Air Cargo xin các cơ quan liên quan được rút hồ sơ và dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không cho công ty này.
Khi thị trường thế giới có sự phục hồi và ổn định trong tương lai, doanh nghiệp sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không mới, bao gồm việc nộp hồ sơ xin cấp phép từ đầu - lãnh đạo Công ty IPP Air Cargo cho hay.
Công ty IPP Air Cargo được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 10/3/2021 với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa hàng không. Doanh nghiệp đặt trụ sở tại TP.HCM.
Theo hồ sơ, IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh (tức Johnathan Hạnh Nguyễn) làm chủ tịch hội đồng quản trị, bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn) làm tổng giám đốc.
Tổng mức đầu tư của công ty theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.
IPP Air Cargo dự kiến khai thác bằng máy bay Boeing 737, 777, Airbus A330 và tương đương với số lượng 5 chiếc (bắt đầu từ năm 2022), tăng dần lên thành 10 chiếc trong 5 năm tiếp theo.
Công ty đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF của Boeing. Với đơn hàng thuê này, một chiếc đã xuất xưởng ngày 25/7, 2 chiếc tiếp theo sẽ được bàn giao vào tháng 12/2022 và chiếc thứ tư sẽ bàn giao vào tháng 2/2023. Ngoài ra, trong năm 2024-2025, hãng sẽ đặt mua 10 máy bay B777 Freigter thân rộng cũng từ Boeing với tổng giá trị 3,5 tỷ USD.
Những chiếc máy bay mang logo IPP Air Cargo đã được xuất xưởng và chuẩn bị bàn giao về Việt Nam. Ngoài ra còn 3 chiếc khác đang được lắp ráp, dự kiến cuối năm 2022 xuất xưởng.
Phương án kinh doanh của IPP Air Cargo là khai thác vận tải hàng hóa trên mạng đường bay nội địa kết nối trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP.HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu…
Qua thẩm định hồ sơ của IPP Air Cargo, Bộ Giao thông vận đã tải kiến nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo vào tháng 3/2022.