Lực lượng thủy quân lục chiến Anh cùng cảnh sát Gibraltar, một vùng lãnh thổ Anh ở hải ngoại, đã bắt giữ tàu dầu MT Grace 1 mang cờ Panama hôm 4/7 ngoài khơi bờ biển phía nam Bán đảo Iberia. Con tàu thuộc quyền sở hữu của một công ty có trụ sở tại Singapore, được mệnh danh là "siêu tàu dầu" vì kích cỡ rất lớn.

{keywords}
Siêu tàu chở dầu Grace 1. (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo Gibraltar Fabian Picardo cho biết, con tàu chở dầu thô tới Syria, vi phạm các lệnh cấm vận mà EU áp đặt với Damascus.

Sau đó trong ngày, Tehran đã triệu tập đại sứ Anh và lên án vụ bắt giữ là "bước đi phá hoại", là "một kiểu cướp biển". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mosusavi tuyên bố các đòn trừng phạt chống lại Syria là trái phép theo luật pháp quốc tế và Iran không công nhận chúng.

Ngày 5/7, thiếu tướng Mohsen Rezaee của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran viết trên Twitter rằng Tehran sẽ bắt giữ một trong các tàu của Anh nếu Grace 1 không được thả.

"Nếu Anh không thả tàu thì nghĩa vụ của các nhà chức trách (Iran) là bắt giữ một tàu dầu của Anh", ông tuyên bố.

MT Grace 1 có thủy thủ đoàn gồm 28 thành viên, chủ yếu là người Ấn Độ, còn lại là người Pakistan và Ukraina. Phía Gibraltar cho biết, những người trên tàu hiện đang bị thẩm vấn với tư cách các nhân chứng chứ không phải nghi phạm. Các nhà chức trách Gibraltar hiện đang làm rõ bản chất số hàng trên tàu và đích đến của nó.

Vụ bắt giữ Grace 1 diễn ra giữa thời điểm căng thẳng giữa phương Tây, đặc biệt là Mỹ, với Iran leo thang nghiêm trọng. Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Tehran ký với các cường quốc, và tái áp đặt cấm vận lên nước Cộng hòa Hồi giáo.

Thanh Hảo