Lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, ITU Digital World 2020 vừa được khai mạc ngày 20/10 với chủ đề “Xây dựng thế giới số cùng nhau”. Sự kiện quy mô lớn của ICT toàn cầu này do Bộ TT&TT Việt Nam phối hợp cùng ITU tổ chức trực tuyến trên nền tảng Make in Viet Nam tại địa chỉ https://digitalworld2020.vn.
Cơ hội kinh doanh mới
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được các chính phủ hỗ trợ để phát triển trong và sau đại dịch. |
Không chỉ nhắc đến tầm quan trọng của CNTT-TT giúp chúng ta thoát khỏi khủng hoảng, đặc biệt là đại dịch Covid-19, đại diện nhiều quốc gia, doanh nghiệp tham dự Hội nghị bộ trưởng ITU trong khuôn khổ sự kiện ITU Digital World 2020 cho biết đã tìm thấy những cơ hội phát triển mới.
Ông Sunil Bharti, Chủ tịch Bharti Enterprise (Ấn Độ) đánh giá CNTT là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong kỷ nguyên số hóa. “Thật khó có thể tưởng tượng ra một thế giới mà không có kết nối”, ông nói. Ông cũng cho rằng sự phát triển của doanh nghiệp trong ngành CNTT-TT có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia đang phát triển, nhất là trong đầu tư hạ tầng, mở rộng băng thông, mạng lưới kết nối, cáp quang, vệ tinh…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Bharti Enterprise, các chính phủ cần hỗ trợ người dân và khối doanh nghiệp thông qua những biện pháp miễn giảm thuế. Mức thuế cao đang là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia. “Nếu như CNTT-TT có thể thực sự làm thay đổi cục diện cuộc chơi thì chúng tôi cần có hỗ trợ và những chính sách khuyến khích đặc biệt là về thuế”, ông Sunil Bharti nói.
Bày tỏ quan điểm của mình về cơ hội phát triển trong thời điểm đầy thách thức, ông Evgeny Kaspersky - CEO Karpersky cho hay, hãng bảo mật đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về an toàn thông tin. “Cơ sở hạ tầng và an ninh mạng là hai đòi hỏi lớn nhất của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hiện nay. Chúng tôi đang hỗ trợ và cung cấp cho khách hàng những giải pháp và công cụ an ninh mạng tốt nhất, để đảm bảo cho các cá nhân tiếp cận với giáo dục một cách an toàn nhất”.
Ông cũng bày tỏ sự lạc quan và các tín hiệu phát triển mới. “Chúng ta vẫn có thể phát huy năng lực của mình trong bối cảnh bình thường mới. Tôi tin rằng Covid-19 đã giúp phát triển các dịch vụ mới, thói quen mới nên thế giới sau đại dịch sẽ trở nên tươi sáng hơn”.
Trong khi đó, nói về triển vọng phát triển của các dịch vụ mới, đặc biệt là 5G, ông Marc Vancoppenolle, Bộ phận quan hệ Chính phủ của Nokia cho rằng, khi đại dịch bùng phát thì lưu lượng traffic tăng lên tới 30 - 40%. Và con số này sẽ tiếp tục tăng bởi học tập, làm việc từ xa đang là xu hướng toàn cầu. “Chúng ta phải có đủ băng thông để xóa bỏ khoảng cách về kết nối; đảm bảo học sinh có thể học tập và người lao động có thể tiếp tục làm việc từ xa. Quá trình nâng cấp lên mạng 5G là bước đi có thể đáp ứng được nhu cầu này”, ông nói.
Đại diện Nokia khẳng định rằng đầu tư vào băng thông rộng phải là ưu tiên của ngành viễn thông toàn thế giới, là một trong những sáng kiến đưa vào kế hoạch ứng phó với Covid-19. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ bởi chúng ta phải chuyển đổi số ở doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô không chỉ ở vật lý mà còn ở trên không gian mạng. “Với công nghệ hiện tại thì chúng ta có thể kỳ vọng nền kinh tế số sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, ông Marc Vancoppenolle nói.
Các quốc gia thay đổi chính sách để thích ứng
Lần đầu tiên các phiên Hội nghị Bộ trưởng ITU được thực hiện trực tuyến. |
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao nói rằng thông qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, các doanh nghiệp đều bày tỏ cam kết và kỳ vọng các cơ quan chính phủ có thể tạo điều kiện hơn nữa về môi trường và thể chế để họ đầu tư phát triển CNTT-TT. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo ngành CNTT-TT nhiều quốc gia chia sẻ và bàn thảo trong các phiên họp Bộ trưởng ITU vừa diễn ra.
Ông Ghazi Al-Jobor, Chủ tịch và Tổng thư ký điều hành Ủy ban Viễn thông Jordan đánh giá ICT đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó đại dịch, nhưng điều quan trọng là làm sao để cung cấp được các dịch viễn thông, CNTT đến tất cả người dân. “Các cơ quan pháp quy của chúng tôi đã có nhiều hoạt động trong việc ban hành, soạn thảo chính sách và hợp tác với tổ chức quốc tế trong việc pháp điển hóa những văn bản và luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã phân bổ hệ thống băng thông, nguồn lực số cho hạ tầng phát triển, cấp phép cho các đơn vị sử dụng để phát huy hiệu quả”.
Với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu sử dụng dịch vụ trong thời kỳ giãn cách xã hội, đại diện từ Jordan cho biết, quốc gia này đã có những văn bản đề nghị các nhà mạng vận hành hệ thống mạng, cung cấp nhiều gói dịch vụ để phục vụ người dân. Đồng thời, thay đổi nhiều chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành cung cấp dịch vụ tốt nhất. Chia sẻ của Tổng thư ký điều hành Ủy ban Viễn thông Jordan cho thấy các nhà mạng, công ty viễn thông tại đây được các chính phủ cấp phép để vận hành dễ dàng hơn đối với dịch vụ mới, duy trì sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của quốc gia; đảm bảo các dịch vụ có giá thành rẻ, dữ liệu và băng thông đủ tốt để người dân và cơ quan chính quyền có thể sử dụng thoải mái.
Tại Singapore, những giải pháp CNTT đã gia tăng đột biến trong đại dịch. Ông Keng Thai Leong, Tổng giám đốc các vấn đề quốc tế, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (Singapore) cho biết, quốc gia này đã phát triển nhiều ứng dụng di động để cung cấp thông tin đến người dân. Chính phủ mở rộng các chính sách và dịch vụ của mình hướng tới nâng cao năng lực ứng phó với Covid-19 cho toàn xã hội.
Theo ông Keng Thai Leong, Singapore đã xây dựng nhiều chính sách và nền tảng phục vụ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các dịch vụ, giải pháp này hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ doanh nghiệp tự đổi mới, ứng dụng công nghệ số để ứng phó và tiếp tục phát triển sau đại dịch.
Duy Vũ
Hội nghị Bộ trưởng ITU: Hợp tác thực hiện sứ mệnh "cùng nhau xây dựng thế giới số”
Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) khai mạc tối 20/10 theo giờ Việt Nam đã bàn thảo nhiều vấn đề trong đó nhấn mạnh sự hợp tác để chuyển đổi số và phát triển bền vững.