Theo Financial Times, trong nhiều năm qua, tỷ phú Jack Ma luôn ngồi vững ở “chiếu trên” tại thương trường Trung Quốc. Các thành viên Hiệp hội Doanh nhân Trung Quốc vẫn nhớ rõ trong một sự kiện ở Hàng Châu cách đây vài năm, Jack Ma lớn tiếng khoe về mối quan hệ thân cận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, có vẻ như người đồng sáng lập Alibaba đã đánh mất vị thế khi startup tài chính Ant Group của ông buộc phải hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Thượng Hải và Hong Kong. Một số nguồn tin khẳng định chính ông Tập là người quyết định chặn đợt IPO kỷ lục này.
Giới quan sát cho rằng một phần nguyên nhân của “thảm họa” này là việc Jack Ma chỉ trích dữ dội ngành ngân hàng Trung Quốc tại một hội nghị kinh doanh hồi tháng 10. Khi đó, ông so sánh các ngân hàng với “tiệm cầm đồ” vì luôn đòi tài sản thế chấp khi cho vay, thay vì sử dụng dữ liệu và công nghệ để đánh giá rủi ro tín dụng.
Tỷ phú Jack Ma mắc sai lầm khi chỉ trích các ngân hàng Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Thuần hóa con quái vật Ant Group
Tuy nhiên, nguồn tin Financial Times khẳng định từ nhiều tháng trước, các ngân hàng và cơ quan quản lý tài chính đã vận động chính phủ trung ương để siết chặt kiểm soát ngành công nghệ tài chính (fintech), đặc biệt là startup Ant Group của tỷ phú Jack Ma.
“Ông ta trở nên quá kiêu ngạo”, giám đốc một ngân hàng quốc tế lớn ở Trung Quốc nhận định. Giám đốc này có mối quan hệ mật thiết với một số cơ quan quản lý tài chính tại Trung Quốc. “Các cơ quan quản lý tài chính muốn thuần hóa con quái vật Ant Group”.
Trên thực tế, chiến dịch vận động chống Ant Group đã bùng lên tại Bắc Kinh trong nhiều tháng, nhưng Jack Ma và cộng sự thân thiết Joe Tsai không để ý đến mối đe dọa này. “Jack và Joe quyết định niêm yết ngay khi nghĩ rằng đã được các cơ quan quản lý chấp thuận”, một giám đốc giấu tên của Ant Group tiếp lộ.
Giáo sư Chen Zhiwu thuộc Đại học Hong Kong nhận định trong nhiều năm qua, Jack Ma luôn là gương mặt đại diện của Alibaba, công ty giá trị nhất Trung Quốc. Nhưng dường như ông không có kiến thức sâu về công nghệ và phát triển sản phẩm như Robin Li, người sáng lập Baidu, hay CEO Tencent Pony Ma. “Những năm qua, Jack Ma là thương hiệu thành công nhất và tài sản giá trị nhất của Alibaba”, giáo sư Chen nói.
Joe Tsai, cộng sự thân thiết của Jack Ma. Ảnh: Getty Images. |
Nhưng Alibaba thành công nhờ sự kết hợp giữa Jack Ma và Joe Tsai. Jack Ma là người đưa ra tầm nhìn và Joe Tsai biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Năm 1999, khi Goldman Sachs mua cổ phần Alibaba, Joe Tsai mới là người đóng vai trò lớn trong thương vụ đó. Joe Tsai cũng là người chịu trách nhiệm “kiểm soát” Jack Ma, không để ông đi quá đà.
Bất chấp việc có nhiều nhà đầu tư lớn hậu thuẫn, Ant Group luôn là một mối đe dọa đối với ngành tài chính truyền thống ở Trung Quốc, bao gồm hãng thẻ tín dụng Unionpay và các ngân hàng nhà nước.
Ant Group khởi đầu là một công ty thanh toán online, nhưng trong những năm gần đây “đánh chiếm” dữ dội các mảng kinh doanh màu mỡ của nhóm ngân hàng truyền thống. Nguồn thu lớn nhất của Ant Group hiện là mảng cho vay, tập trung vào các khách hàng nhỏ.
Thời kỳ tự do của Ant Group đã trôi qua
Năm 2018, khi huy động vốn đầu tư, Ant Group tự mô tả bản thân là “công ty làm thay đổi thị trường”. Tuy nhiên, nhà phân tích Jason Bedford của ngân hàng UBS ở Hong Kong cho rằng Ant Group thực chất là “ký sinh trùng” bám vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng việc chính quyền Trung Quốc lên kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số và hệ thống thanh toán điện tử riêng hồi đầu năm một phần vì lo ngại ứng dụng Alipay của Ant Group và WeChat của Tencent chiếm thị phần quá lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới các ngân hàng truyền thống.
Các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt kiểm soát tín dụng vi mô (micro-lending). Alibaba mô tả Ant Group là đối tác giúp các ngân hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn. Nhưng các ngân hàng và cơ quan quản lý không hề nhìn nhận Ant Group như vậy.
Theo các quy định tài chính mới của chính phủ Trung Quốc, các công ty cho vay online phải đóng góp ít nhất 30% số tiền mỗi khoản cho vay, thay vì dồn hết gánh nặng vào ngân hàng. “Các ngân hàng than phiền rằng họ bị quản lý rất chặt, phải tuân thủ nhiều quy định, trong khi Ant Group muốn làm gì thì làm”, giáo sư Chen cho biết.
Giới quan sát cho rằng thời kỳ hoạt động tự do của các công ty fintech như Ant Group ở Trung Quốc đã trôi qua. Ảnh: AP. |
Theo giáo sư Chen, việc Ant Group phải hủy IPO là dấu hiệu cho thấy thời kỳ “tự do” của các công ty fintech đã trôi qua tại Trung Quốc. Một số nhân vật trong ngành tài chính cũng cho biết Jack Ma khiến các nhà quản lý nổi giận khi chỉ trích ngành ngân hàng tại sự kiện ở Thượng Hải tháng trước.
Vấn đề là trong thời điểm đó, Jack Ma đang vận động để các cơ quan quản lý tài chính bật đèn xanh ủng hộ đợt IPO của Ant Group. “Dồn các cơ quan quản lý vào thế khó không phải là ý tưởng hay. Lẽ ra Jack Ma phải suy nghĩ thấu đáo hơn”, một cựu thành viên Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc nhận định.
Năm ngoái, Jack Ma chính thức rút khỏi vị trí chủ tịch Alibaba. Nhưng thực tế ông không hề nghỉ hưu, mà chuyển sự tập trung vào Ant Group. Ông và Joe Tsai là người quyết định mọi vấn đề của Ant Group. Jack Ma luôn nói rằng ông muốn nghỉ hưu sớm. Có lẽ, với việc Ant Group hủy IPO, lần này ông sẽ buộc phải nghỉ hưu thật sự.
(Theo Zing)