Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, người từng bị bắt khi tham chiến ở Việt Nam, ngày 6/10 vừa qua đã có bài viết trên tạp chí Wall Street, kể về 2 lần gặp Tướng Giáp.

Tôi đã gặp Tướng Võ Nguyên Giáp, người qua đời hôm thứ sáu vừa qua, 2 lần. Lần đầu tiên là ở bệnh viện quân y, nơi tôi được đưa đến ngay sau khi bị bắt vào năm 1967. Cha tôi là tư lệnh của lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, nên có rất nhiều người canh gác tôi và hàng ngày cũng có rất nhiều người thẩm vấn. Tướng Giáp, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng miền Bắc, là người duy nhất tôi nhận ra. Ông chỉ đến trong chốc lát, nhìn tôi, rồi rời đi mà không nói một lời nào.

Cuộc gặp thứ hai diễn ra vào đầu những năm 1990, trong một trong nhiều chuyến công cán của tôi tới Hà Nội, nhằm thảo luận về vấn đề tù binh chiến tranh và lính mất tích (POW/MIA) và bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước. Tôi đã hỏi Bộ trưởng Ngoại giao khi đó Nguyễn Cơ Thạch và người phó của ông, Lê Mai, sắp xếp cho tôi một cuộc phỏng vấn ngắn về vị chỉ huy huyền thoại của quân đội Việt Nam.

Ngày hôm sau tôi được đưa đến phòng tiếp khách lớn của Phủ chủ tịch. Tướng Giáp đã ở đó. Ông mỉm cười, dáng người nhỏ nhắn, đã có tuổi nhưng nhanh nhẹn và mặc bộ vét màu xám, thắt cà vạt.

{keywords}
Tướng Giáp chào đón tôi bên dưới bức tượng bán thân lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dẫn dắt Việt Nam đi qua chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cả hai chúng tôi vỗ vai nhau, thể như chúng tôi là những người đồng chí gặp lại nhau chứ không phải là những cựu thù.

Tôi đã hi vọng cuộc nói chuyện của chúng tôi tập trung vào vai trò lịch sử của ông. Sau khi tôi từ Việt Nam trở về Mỹ năm 1973, tôi đã đọc mọi thứ có thể có về cả cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam. Tôi bắt đầu bằng cuốn “Địa ngục ở nơi rất nhỏ bé” (Hell in a Very Small Place) của Bernard Fall, nghiên cứu kinh điển về trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954, trận chiến chấm dứt sự cai trị thực sự của thực dân Pháp và tài năng của Tướng Giáp lần đầu tiên làm thế giới kinh ngạc.

Tôi đã muốn nghe Tướng Giáp nói về trận chiến kéo dài gần 2 tháng đó, như làm thế nào lực lượng của ông gây choáng váng cho người Pháp, làm thế nào đưa được các cỗ pháo lên núi và xuyên qua những cánh rừng rậm rạp nhất. Tôi đã muốn nói với ông về sự kỳ diệu khác trong công tác hậu cần: Đường mòn Hồ Chí Minh.

Tôi đã nghĩ ông tự hào về lời khen tặng của thế giới với ông, gọi ông là “Napoleon Đỏ”. Tôi đã đoán rằng Tướng Giáp sẽ đón nhận cơ hội để thỏa trí tò mò của tôi về những chiến thắng của ông. Tôi đã muốn chúng tôi đối xử với nhau như những sỹ quan về hưu và cựu thù nhớ lại những sự kiện lịch sử mà ở đó ông đã đóng vai trò then chốt còn tôi đóng một vai trò nhỏ bé. Nhưng ông trả lời hầu hết các câu hỏi của tôi rất ngắn gọn, cho biết thêm rất ít thông tin so với những gì tôi đã biết và sau đó xua tay tỏ ý không thích.

Tất cả giờ đã là quá khứ rồi, ông nói. Tôi và ông nên thảo luận về tương lai khi hai nước chúng ta không còn là kẻ thù mà là bạn. Và chúng tôi đã làm vậy, hai chính trị gia thảo luận về những việc giữa hai nước, điều đưa tôi tới Việt Nam.

Tướng Giáp là bậc thầy về hậu cần nhưng danh tiếng của ông còn lớn hơn thế. Chiến thắng của ông đạt được nhờ một chiến lược kiên nhẫn mà ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin chắc sẽ thành công. Đó là đấu tranh tới cùng, chấp nhận mất mát, bất chấp kẻ thù có mạnh đến mức nào.

Đến cuối cuộc gặp, chúng tôi đứng lên, bắt tay và khi tôi chuẩn bị quay đi, ông nắm cánh tay tôi, nói nhỏ: “Ông là một kẻ thù đáng trọng”.

Cho tới giờ tôi vẫn không hiểu rõ ý ông. Nói như vậy là ông so sánh với những kẻ thù khác của Việt Nam, người Trung Quốc, Nhật, Pháp, những người đã giết chết vợ ông, hay hàm ý là chúng tôi chiến đấu vì lý tưởng của mình, hay đơn giản chỉ là làm vui lòng tôi. Nhưng dù ý ông là gì, tôi vẫn rất cảm kích.

Trung Anh (dịch)/Theo Dân Trí