Cộng đồng game thủ vốn cứng đầu trước thay đổi lớn. Ở cái thời trò chơi điện tử vẫn còn trong trứng nước, nhà phát triển game và cộng đồng sống tựa vào nhau, cùng gây dựng nên một nền công nghiệp lớn mạnh với chỉ chút tiền vốn và một kho tàng đam mê. Nhưng khi hai chữ kinh doanh cướp mất linh hồn của nhiều những nhà phát triển game có tiếng, hoài nghi của cộng đồng tích tụ theo năm tháng.
Dần dà, họ thấy mình như một món hàng không hơn không kém; nhà phát triển vô tâm tiếp tục tìm cách “vắt sữa” người chơi, đồng thời không còn cho ra những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, trong thời điểm rối ren này, công nghệ không hề dừng phát triển.
Justin Kan, game thủ kỳ cựu và cũng là người đồng sáng lập nên nền tảng streaming lớn nhất thế giới Twitch, có đôi lời muốn gửi cộng đồng game thủ. Trên trang Twitter cá nhân của mình, anh Kan khẳng định xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp game đang lớn mạnh ngoài sức tưởng tượng: xu hướng ứng dụng tài sản số NFT như một mô hình kinh doanh ảo giàu tiềm năng, đem lợi ích tới tay người chơi.
Dưới đây là những luận điểm Justine Kan đưa ra, về cách NFT thay đổi ngành công nghiệp tỷ đô đang trên đà phát triển, đồng thời khẳng định tài sản số NFT sinh ra để dành cho game thủ.
Như chúng ta vẫn biết, quy trình làm game rất tốn kém cả về nhân lực lẫn tiền bạc. Một trong những cách các studio kiếm tiền phát triển là gọi vốn từ cộng đồng, tuy nhiên hầu hết các dự án gọi vốn như vậy đều thảm bại, chỉ một số ít vượt qua vũng lầy gọi vốn cộng đồng và có thể trở thành tuyệt phẩm ngành công nghiệp (đơn cử: Hollow Knight).
Nhưng một khi bất thành, dự án có thể trì trệ nhiều năm trong khâu phát triển. Có thể nhìn vào game Star Citizen, với chặng đường gọi vốn nay đã bước vào năm thứ 10, số tiền quy tụ được lên tới 400.000.000 USD, vậy mà game vẫn chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, NFT cho phép những người bỏ tiền hậu thuẫn game (thông qua việc mua NFT - tài sản số trong game) trở thành những cổ đông đặt niềm tin vào dự án. Khi game ra mắt, họ sẽ nắm trong tay một số quyền hành nhất định khi tham gia vào thế giới ảo của game.
Các game được xây trên nền Web3 sẽ sở hữu một thị trường kinh tế mở và phi tập trung. Theo nhận định của anh Kan, việc làm game dựa trên những tài sản số mở, lập trình được (như các token và các NFT) sẽ giúp đẩy cao giá trị game nói chung và các tài sản số nói riêng. Vật phẩm trong game không còn là những file kỹ thuật số đơn thuần nữa.
Anh Kan trực tiếp lấy ví dụ bằng tựa game Fortnite đang được giới trẻ toàn cầu ưa chuộng. Theo anh, các nhà phát triển khác có thể kiến tạo trải nghiệm mới cho người chơi thông qua đơn vị tiền ảo V-Buck và các skin cho nhân vật. Như chúng ta vẫn biết, nhiều nhà phát triển game, các studio phim bom tấn Hollywood chấp nhận đưa vào Fortnite những nội dung giải trí hàng đầu, với mong muốn tiếp cận tới một lượng khán giả tiềm năng khổng lồ.
Bản thân là game thủ kỳ cựu, anh Kan nhận thấy tiềm năng từ việc sở hữu vật phẩm ảo trong game. Việc người chơi chứng minh được quyền sở hữu tài sản số mà họ mua hay kiếm được từ game sẽ giúp game thủ trực tiếp tham gia vào việc phát triển game trong tương lai.
Bên cạnh đó, mỗi vật phẩm lại giúp người chơi bảo tồn được một chút giá trị kiếm được sau khoảng thời gian đầu tư cho game. Giá trị sẽ vẫn còn đó khi họ chuyển sang chơi game mới.
“Đây chỉ là kế hoạch vơ vét tiền từ nhà phát triển thôi!”
Theo anh Kan, các studio làm game đã chuyển sang mô hình bán vật phẩm ảo từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, đa số vật phẩm ảo trong game không thể mua đi bán lại. Đó là lý do vì sao vật phẩm NFT, cho phép người chơi chứng minh quyền sở hữu, giúp game thủ có thêm quyền trong tay.
“Những game này không phải trò chơi điện tử thực thụ.”
Những tuyên bố dạng này khiến Justin Kan nhớ tới thời điểm năm 2008, thời điểm manh nha của game free-to-play, cho game thủ thoải mái tham gia game mà không mất phí đầu vào. Lúc ấy, những tựa game chơi trên nền tảng trình duyệt như Mafia Wars, FarmVille trở nên cực thịnh, nhưng nhiều người không gọi đó là trò chơi điện tử.
2008 là thời điểm chớm nở của game chơi miễn phí, các nhà phát triển chưa tìm được hướng đi đúng đắn để tạo nên những trải nghiệm sâu sắc. Game blockchain ở thời điểm này cũng nhận về những chỉ trích tương tự, nhưng theo thời gian, những game có giá trị chơi lớn, tài sản số NFT đa dạng và có độ thanh khoản cao, sẽ tìm được chỗ đứng.
“NFT trong game không thực sự phi tập trung bởi lẽ chúng được phát triển dựa trên các mô hình/tài sản số vốn có tính tập trung của game”.
Anh Justin Kan nhận định tiền mã hóa không đơn thuần là công nghệ mới, nó còn cho thấy sự vận động của ngành công nghệ. Hành động đưa vật phẩm ảo lên chuỗi blockchain có thể chứng minh được quyền sở hữu tài sản, đồng thời tạo sự an tâm cho những game thủ/nhà đầu tư tiềm năng, sẵn sàng bỏ tiền vào game. Tất cả những tài sản họ bỏ tiền mua đều được hậu thuẫn bởi blockchain, cuốn sổ cái lưu trữ mọi giao dịch diễn ra.
Cuối bài viết, Justin Kan khẳng định game sở hữu yếu tố NFT sẽ có lợi cho cả người chơi và nhà phát triển. Anh dự đoán cũng như cuộc cách mạng free-to-play đã thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp game, công nghệ blockchain trong phát triển game cũng vậy.
Bản thân các NFT có thể trở thành những món đồ quý giá, là một phần của bộ sưu tập những vật phẩm ảo. Với giá trị cao, những kho đồ ảo có thể trở thành một bộ sưu tập trị giá hàng triệu USD, mang lại danh vọng và tiền bạc cho người sở hữu.
Sưu tập là một trong những thú chơi lâu đời. Việc hình thành một thứ tài sản số vốn ảo, nhưng lại có giá trị thật và chứng minh được danh tính người nắm giữ tài sản, sẽ là một bước nhảy vọt trong khái niệm "sở hữu". Các nghệ sĩ lớn đã đang dần nhận ra lợi ích của NFT, cũng đã đến lúc ngành công nghiệp game tận dụng công nghệ tài sản số mới này để khẳng định quyền sở hữu của mình với những vật phẩm ảo.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Tăng trưởng cấp số nhân, giao dịch NFT tăng 21.000% chỉ sau 1 năm
Số liệu từ Nonfungible.com cho thấy, giao dịch các mã thông báo không thể thay thế (NFT) đã đạt 17,6 tỷ USD trong năm 2021, tăng 21.000% so với năm 2020.