- Nếu chồng, bạn trai ngoại tình thì người đầu tiên cần xem xét là chính họ sau đó mới là người thứ ba. Nếu người thứ ba biết người đàn ông có gia đình thì họ đáng bị không chỉ bà vợ mà cả xã hội lên án.
Tôi là một phụ nữ, sinh ra trong một gia đình có bố mẹ ly hôn, hiện đang sống và làm việc tại Úc. Đất nước mà ở Việt Nam thường hay gọi là Tây, phương Tây.
Trước tiên nói về việc ly hôn của bố mẹ tôi, do bố tôi ngoại tình, đánh đập vợ, hắt hủi con, mang tiền nhà đi bao gái và chê mẹ tôi không biết sinh con trai. Giai đoạn đầu mẹ tôi vẫn cố gắng chịu đựng vì nghĩ mình không sinh được con trai nên mới thế. Tuy nhiên, khi em trai tôi ra đời thì mọi thứ vẫn không thay đổi, khi mẹ tôi đi làm, bố vẫn đưa bồ về nhà ngủ. Thậm chí nếu mẹ có về bắt gặp thì bố còn đuổi, đánh mẹ và mặc nhiên để bồ ở nhà.
(Ảnh minh họa) |
Sau 7 năm hôn nhân, có với nhau 3 mặt con họ đã ly hôn. Sau ly hôn, tòa xử bố phải trợ cấp nuôi con, chia đôi đất đai nhà cửa. Tuy nhiên bố tôi không làm thế. Ông không trợ cấp, bán nhà cửa đất đai ngay sau đó, mua nhà mới đất mới và đứng tên mình. Mẹ tôi năm lần bẩy lượt kiện tụng cuối cùng không được gì nên bà phải nai lưng ra làm việc, nuôi 3 con ăn học và chúng tôi may mắn vẫn còn nhà ngoại giúp đỡ.
Tôi kể ra câu chuyện này để nói rằng, đừng so sánh phương tây với ta mà làm gì. Bởi có sự khác biệt đến 80% giữa luật pháp, hiệu quả thi hành pháp luật và xã hội giữa hai bên.
Thứ nhất là chuyện vì sao phụ nữ tây độc lập và dám ly hôn chồng? Cả Chị Tâm Phan và TS Việt Anh đều chưa nói ra một điều, vì sao phụ nữ phương tây dám ly dị còn ta thì không? Tôi nói đơn cử, ví dụ như mẹ là một phụ nữ Úc và ly hôn với 3 đứa con. Chưa cần biết chồng có trợ cấp nuôi con hay không, bà sẽ được hưởng trợ cấp chăm sóc và nuôi dưỡng 3 đứa trẻ. Cả 3 đứa con cũng sẽ được trợ cấp của nhà nước hàng tháng. Việc học hành tại các trường công cũng không phải đóng góp. Vậy nghĩa là, những nhu cầu cơ bản của gia đình đã được nhà nước đảm bảo, bạn không phải lo sợ mình sẽ lấy gì, làm gì để nuôi con.
Còn trợ cấp từ các ông chồng thì sao? Các nước phát triển đều quản lý hệ thống tiền tệ lương bổng qua ngân hàng, mọi giao dịch đều minh bạch nên nếu chồng không trợ cấp cho vợ cũ và con thì chỉ cần đệ đơn, tòa án sẽ làm việc với đơn vị sở hữu lao động và ông chồng để trừ trực tiếp lương hàng tháng. Như vậy cách quản lý và thừa hành ở Việt Nam là không thể so sánh với các nước phát triển và đó chính là lý do các bà vợ Việt Nam phải coi ông chồng là tài sản, tiền bạc của mình, phải cố giữ cho con mình cái “ngân hàng” để con có tiền mà nuôi con.
Luật pháp được thực thi nghiêm sẽ làm giảm bạo hành, thay đổi quan điểm và nhận thức của xã hội về quan hệ gia đình cũng như cách nghĩ chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau. (Ảnh minh họa) |
Thứ hai là chuyện bạo lực gia đình. Ở Việt Nam, do việc thực thi luật chưa nghiêm, ông nào đánh vợ đến mức nhập viện may chăng mới bị nhắc nhở, hiếm khi có ông nào ra tòa trừ khi vợ chết, tàn tật mặc dù luật quy định thì rất rõ ràng. Ở các nước phát triển thì khác, chỉ cần người phụ nữ gọi cho cảnh sát, hội đồng địa phương, dịch vụ công ích nào đó phản ánh là bị chồng hay một người đàn ông nào đó bạo hành thì ngay lập tức người đàn ông đó sẽ bị bắt giam theo luật để chờ điều tra. Cá nhân tôi nghĩ rằng, luật pháp được thực thi nghiêm sẽ làm giảm bạo hành và thay đổi quan điểm và nhận thức của xã hội về quan hệ gia đình cũng như cách nghĩ chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau ở Việt Nam.
Thứ ba là chuyện TS Việt Anh có nêu xu hướng sống chung không kết hôn ở các nước phát triển ngày càng nở rộ. Chị chỉ nói phần ngọn mà không nói phần gốc. Xin nói rõ là ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada… thì việc sống chung khi chưa kết hôn cũng được luật hóa rất rõ ràng. Ví dụ như ở Úc, chỉ cần hai người sống chung với nhau trên 8 tháng, thì khi chia tay và có vấn đề liên quan đến luật pháp, mọi quyền lợi của hai đương sự sẽ được tính như là vợ chồng chứ không phải như luật Việt Nam, chưa đăng ký thì không phải là vợ chồng. Điểm khác biệt cho những vụ ly hôn mà không có giấy kết hôn ở Úc là, cả hai đương sự không được tòa cấp giấy chứng nhận ly hôn mà thôi. Khi được luật pháp bảo vệ, người phụ nữ sẽ yên tâm sống chung với bạn trai của mình mà không cần tờ giấy kết hôn nữa.
Thứ tư, tôi muốn nêu quan điểm cá nhân của mình về chuyện người thứ 3 có đáng bị lên án không? Câu trả lời là cần xem xét hoàn cảnh của sự việc. Nếu chồng, bạn trai ngoại tình thì người đầu tiên cần xem xét là chính họ sau đó mới là người thứ ba. Nếu người thứ ba không biết người đàn ông có gia đình thì họ không có lỗi, còn nếu biết thì họ có lỗi rõ ràng và trường hợp này họ đáng bị không chỉ bà vợ mà cả xã hội lên án. Việc người thứ ba có bị lên án hay không thì xã hội nào cũng có mẫu số chung như vậy. Ngay cả những người nổi tiếng ngoại tình thì người thứ ba luôn luôn bị chỉ trích. TS Việt Anh có thể thấy trường hợp của Brad Pitt và Angela Jolie hoặc Bill Clinton và Monica Lewinsky là những ví dụ điển hình.
Nếu người thứ 3 biết người đàn ông có gia đình mà vẫn ngoại tình thì họ đáng bị không chỉ bà vợ mà cả xã hội lên án. (Ảnh minh họa) |
Ở các nước phát triển, việc một phụ nữ có quan hệ với một người có gia đình không bị pháp luật xử lý, pháp luật của nhiều nước còn không coi ngoại tình là phạm tội tuy nhiên về mặt đạo đức xã hội họ vẫn bị lên án, các nhà hoạt động xã hội, các cộng đồng vẫn lên án họ. Với pháp luật Việt Nam, chúng ta có quy định rất rõ ràng việc ngoại tình, chung sống với người mà mình biết rõ đã có gia đình, việc kỷ luật vì vi phạm đạo đức xã hội… thì lẽ dĩ nhiên là người thứ ba đáng bị lên án (Trường hợp biết rõ đối phương đã có gia đình).
Tạm kết lại là, vợ, chồng, bồ bịch là một trong những vấn nạn, một cuộc chiến không hồi kết của bất cứ xã hội nào. Nền giáo dục nếu được nâng cao thì nhận thức xã hội sẽ cao lên và nền tảng gia đình sẽ thay đổi nhiều hơn. Không có điều gì là tuyệt đối trong xã hội ngày nay vì thế việc giáo dục và thừa hành pháp luật cần thay đổi để nắm bắt, định hình và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ cũng như của thế hệ con cái họ.
Ý kiến riêng với TS Việt Anh là, chị nghiên cứu về gia đình thì nên nghiên cứu xem làm sao cải thiện được quyền lợi của phụ nữ và đưa xã hội đi lên kịp với các nước phát triển chứ đừng nghiên cứu lùi lại “thành ra chuẩn của xã hội là ngoại tình”.
30 năm trước bố tôi tung tăng ngoại tình và bị mẹ tôi bỏ, thế mà 30 năm sau vẫn có người phụ nữ nêu cái đó làm chuẩn thì tôi tin chị đích thực chỉ là một “tiến sỹ giấy” thôi.
Thinh Nguyen