Ngày 9/5, tại Washington DC, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos công bố kế hoạch chinh phục Mặt trăng và giới thiệu chiếc tàu đổ bộ Blue Moon. Theo Reuters, Jeff Bezos mô tả đây là tàu vũ trụ khổng lồ cao hai tầng, có khả năng mang theo 4 tàu du hành nhỏ hơn và đưa chúng lên bề mặt của "chị Hằng".
"Đó là một phương tiện phi thường và nó sẽ lên Mặt trăng", Bezos nhấn mạnh.
Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin do Jeff Bezos thành lập ra đang phát triển tên lửa New Shepard cho các chuyến du lịch không gian ngắn và tên lửa đẩy hạng nặng New Glenn cho các hợp đồng phóng vệ tinh.
Jeff Bezos giới thiệu tàu du hành Blue Moon. Ảnh: Reuters. |
Đơn vị này đặt mục tiêu cung cấp tên lửa New Glenn vào năm 2021, đồng thời có thể đưa người lên vũ trụ vào cuối năm nay với New Shepard. Blue Origin cũng lên ý tưởng về một trạm không gian của con người tại Mặt trăng.
Vào tháng 3, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence yêu cầu NASA xây dựng một trạm không gian trên quỹ đạo Mặt trăng và đưa các phi hành gia Mỹ lên cực nam của vệ tinh vào năm 2024.
"Tôi thích điều này", Bezos nói về thời hạn do ông Pence đưa ra. "Đây là điều đúng đắn. Chúng tôi có thể giúp đáp ứng thời gian đó".
NASA đưa ra mục tiêu đưa người đặt chân đến cực nam của Mặt trăng, một khu vực được cho là chứa đủ băng để để sử dụng trong việc tổng hợp nhiên liệu tên lửa cũng như nước uống cho các phi hành gia.
Jeff Bezos từng trình bày ý tưởng tạo ra tương lai có hàng triệu người sống và làm việc trên không gian. Blue Origin do ông lập ra bắt đầu thương mại hóa các sản phẩm của mình.
Tầm nhìn của Bezos cũng giống với ý tưởng của các công ty hàng không vũ trụ tư nhân của các tỷ phú khác như SpaceX của Elon Musk và United Launch Alliance, liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin.
Sự kiện công bố kế hoạch lên Mặt trăng của người giàu nhất hành tinh được tổ chức trong thời điểm mang tính lịch sử đối với ngành hàng không vũ trụ Mỹ. Cách đây 50 năm, vào tháng 7/1969, tàu Apollo 11 đã mang hai nhà du dành Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân xuống bề mặt "chị Hằng".