Những ngày này, lên “thủ phủ ngô” Sơn La, nhiều người không khỏi xót xa bởi những ruộng ngô đang độ xanh tốt bị sâu keo mùa thu tàn phá, nhiều diện tích gần sâu ăn hết sạch chỉ trong vài ngày, người nông dân lại phải đốn đi trồng lại.

Dẫn chúng tôi xuống ruộng ngô của gia đình, ông Nguyễn Mạnh Hùng - một hộ dân ở Mộc Châu (Sơn La) - than thở, vụ ngô này ông đã trồng đi trồng lại tới 3 lần, tốn rất nhiều tiền phân, giống, thuốc trừ sâu nhưng vẫn có nguy cơ mất trắng vì con sâu keo mùa thu.

Ông kể, lần đầu tiên ông xuống giống trồng ngô vào dịp tháng 4. Khi cây ngô đang phát triển khoẻ mạnh thì bất ngờ bị dịch sâu keo tàn phá. Ông và gia đình phải chặt sạch 0,8ha ngô để trồng lại.

{keywords}
Dịch sâu keo mùa thu bùng phát, tàn phá hàng chục ngàn ha ngô của bà con nông dân

Lần thứ hai, cây ngô đang lên xanh tốt, nhưng sau khi đi nghỉ mát vài ngày về, ông Hùng ra thăm ruộng ngô tá hoả phát hiện sâu keo lại chén sạch ruộng ngô mới trồng lại.

“Một lần nữa, tôi lại đốn hết ngô đi và lần thứ ba trồng lại chỉ trong một vụ, với hy vọng cứ thử xem có được không, biết đâu sâu lần này đi mất... ” Kết quả, ruộng ngô lại bị sâu keo cắn te tua”.

Ông Hùng tâm sự, thay vì ung dung chờ thu hoạch, lần này ông phải hùng hục đi phun thuốc trừ sâu đến 6 lần mà vẫn thấy có sâu keo sinh sôi nảy nở.

“Chưa tính 3 lần xuống giống, tiền phân bón, mới chỉ tính 6 lần phun thuốc và công thuê người phun tôi đã phải bỏ ra tới 12 triệu đồng. Trong khi, với tình hình này ngô vẫn tiếp tục phải phun thêm thuốc trừ sâu mà chưa chắc đã được thu hoạch”, ông than thở.

Cùng ảnh ngộ, ông Nguyễn Hoàng Mai - một hộ dân canh tác ngô khác tại Mộc Châu - cho biết, tháng 4 gia đình ông trồng giống ngô thường nhưng bị sâu keo mùa thu phá hoại nặng nề, phun 2 lần thuốc không thấy đỡ. Sâu keo vẫn phá tan nát diện tích ngô của gia đình ông.

{keywords}
Có hộ nông dân trồng đi trồng lại tới 3 lần một vụ, phun thuốc tới 6 lần mà vẫn có nguy cơ mất trắng

Khi ngô được khoảng 50 ngày, ông và hầu hết các hộ trồng ngô ở khu vực 9 héc ta này quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích ngô vì phun thuốc trừ sâu cũng không tiêu diệt được hết sâu.

Nhưng may mắn hơn gia đình ông Hùng, sau lần phá bỏ đó, ông Mai chuyển sang trồng giống ngô kháng sâu DK 9955S. Từ đó đến giờ, ruộng ngô nhà ông hoàn toàn khỏe mạnh, không thấy sâu phá và không phải phun thuốc nữa. Trong khi ruộng ngô của những gia đình khác ở khu vực này liên tục phải chặt bỏ vì dịch sâu keo hoành hành, chén hết sạch cây ngô.

Tại Hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống sâu keo mùa thu do Bộ NN-PTNT tổ chức ở Sơn La, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, tính đến 19/7, toàn quốc có 16.466 ha ngô hè thu bị nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó có 2.740 ha bị nhiễm nặng, 4.396 ha được hướng dẫn các biện pháp diệt trừ sâu keo.

Riêng ở “thủ phủ ngô” Sơn La, từ tháng 3/2019, dịch hại sâu keo mùa thu đã phát sinh trên diện rộng, tính lũy kế đã có trên 22.000 ha ngô bị sâu phá hại; nhiều diện tích ngô phải phun 2-3 lượt thuốc bảo vệ thực vật để phòng, cá biệt có nơi phải nhổ bỏ ngô để trồng lại.

Thiệt hại do sâu keo mùa thu gây hại ngô ở tỉnh là rất lớn. Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo phòng, chống sâu keo mùa thu; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng, trừ sâu keo; xây dựng các mô hình thử nghiệm các biện pháp, các loại thuốc BVTV trong phòng, trừ sâu.

{keywords}
Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh đi thăm những ruộng ngô không bị sâu keo mùa thu phá hoại vì trồng giống ngô kháng sâu

Tại hội nghị, Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, đây là loại sâu mới, tốc độ lây lan nhanh, gây hại diện rộng, thời gian đẻ trứng dài, sinh trưởng phát triển phức tạp trong khi điều kiện canh tác của nông dân Việt Nam còn nhỏ lẻ, mỗi nhà một thời vụ khác nhau nên luôn tạo nguồn thức ăn hấp dẫn cho sâu. Ngoài ra, chúng ta chưa có nhiều thuốc BVTV phun trừ đặc hiệu loại sâu này.

Do đó, công tác phòng trừ gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt với các vùng canh tác trên đất dốc gần như không có điều kiện để phòng trừ. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT và hệ thống Bảo vệ thực vật tại địa phương đã vào cuộc từ rất sớm.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, các địa phương không chủ quan, cũng không hoảng sợ vì hiện đã có nhiều giải pháp hiệu quả, ví dụ như mô hình sử dụng giống ngô kháng sâu của một số nông dân tại huyện Mộc Châu. Ngoài ra, cố gắng đồng loạt tổ chức phòng trừ, ứng dụng biện pháp bẫy bả sinh học,...

Điều quan trọng nhất là tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh, nghiêm túc chỉ thị của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về tác hại của sâu này cũng như các giải pháp phòng trừ hiệu quả. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp, cái gì tốt hiệu quả cần đưa vào ngay, quy trình có thể thay đổi hàng tuần nếu cần để phù hợp tình hình sản xuất thực tế, ông Doanh chỉ đạo thêm.

MỜI XEM VIDEO ĐƯỢC TẠO TỰ ĐỘNG CỦA BÀI VIẾT NÀY

Lưu Minh