Làm giả khẩu trang, gom khẩu trang dùng rồi bán lại

Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa phát hiện cơ sở kinh doanh ở Hà Nội bán khẩu trang nghi bị làm giả. Chủ cơ sở mua 6.000 khẩu trang 3D Mask do một công ty ở TP.HCM sản xuất, sau đó chia nhỏ túi đựng 10 khẩu trang bán lẻ với giá 65.000-70.000 đồng/túi.


Nhuộm đen vải để làm giả khẩu trang than hoạt tính

Cũng liên quan đến tình hình làm giả khẩu trang, Đội trưởng Quản lý thị trường số 1 cho biết một số đối tượng sẵn sàng nhuộm vải đen làm khẩu trang hoạt tính trong đợt dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, đang có dấu hiệu một số người lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng, như khẩu trang y tế dùng một lần được thu gom lại và bán ra thị trường.

Táo tợn hơn, lợi dụng sự cả tin từ người dùng, một fanpage Facebook đã lừa bán khẩu trang giá rẻ nhưng chỉ giao toàn lá cây cho khách hàng.

{keywords}
Mua khẩu trang 3M nhưng nhận được một hộp đầy lá cây.

Trên sàn thương mại Shopee, sản phẩm có tên "Khẩu trang giấy 3D Unicharm Nhật Bản hộp 100 miếng" đang được đăng bán với giá 2,7-3,3 triệu đồng. Nhưng trên thực tế, giá bán của sản phẩm này chỉ ở mức từ 250.000-300.000 đồng/hộp.

Hiếm, đắt, mỗi người chỉ được mua 5 chiếc khẩu trang

Trong khi số ca nhiễm virus corona đang ngày một gia tăng trên thế giới và tại Việt Nam, người dân đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay khiến lượng sản phẩm trên thị trường ngày một trở nên khan hiếm.

Tình trạng cháy hàng diễn ra ở nhiều hệ thống nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Không ít tiểu thương đã tranh thủ đẩy giá bán khẩu trang lên cao gấp 4-5 lần so với giá bình thường.

Đáng chú ý, sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn của Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân ra mắt được ít ngày gặp cảnh quá tải khách mua hàng. Do nhu cầu cao, công ty này thông báo chỉ bán cho mỗi khách hàng 5 chiếc/người để đảm bảo mọi người đều mua được trong giai đoạn này.

Trung Quốc ngừng mua, vạn tấn trái cây mất giá, ế nặng



Trước Tết Nguyên đán, thị trường trái cây sôi động, giá đồng loạt tăng mạnh. Thậm chí, có loại giá còn tăng theo từng ngày, được thương lái bao mua tận vườn.

Nhưng ngay những ngày đầu năm Canh Tý, thị trường trái cây khá ảm đạm, tiêu thụ chậm, hàng loạt trái cây bắt đầu rớt giá thảm. Đơn cử, giá thanh long ở Bình Thuận giảm còn 3.000-4.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ ở Long An cũng chỉ 5.000-8.000 đồng/kg; giá mít Thái còn 7.000-10.000 đồng/kg; dưa hấu còn 1.000 đồng/kg mà vẫn không bán được.

Nguyên nhân là do Trung Quốc ngừng mua vì dịch viêm phổi do virus corona khiến loạt trái cây rớt giá mạnh.

Cua Cà Mau, cá ngừ rớt giá, thuỷ sản đi Trung Quốc tồn đọng

Người nuôi cua biển ở Cà Mau đang đứng ngồi không yên vì mặt hàng này rớt giá thảm, ế đống dồn chợ. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus corona, cua biển không thể xuất đi Trung Quốc.

{keywords}
Cua Cà Mau giá giảm mạnh.

Cụ thể, cua gạch loại ngon nhất giá trước Tết là 650.000 đồng/kg, nay giảm còn 320.00 đồng/kg. Cua y loại 1 cũng giảm còn 250.000 đồng, cua y loại 2 giá còn 150.000 đồng.

Cũng trong tình cảnh tương tự, giá thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Bình Định thời điểm này dao động từ 95.000-100.000 đồng/kg, giảm 20-25% so với dịp cuối năm 2019.

Sốt gạo vàng 1 triệu đồng/hạt, nhà buôn trúng đậm ngày Thần Tài

Ngày Vía Thần Tài năm nay tuy không có khách xếp hàng dài trước cửa, nhưng lượng khách tới mua vàng vẫn tấp nập, nhân viên làm việc không nghỉ. Các doanh nghiệp vàng vẫn trúng đậm khi lượng vàng bán ra vẫn tăng gấp 10-30% so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}
 Gạo vàng ròng - mặt hàng gây sốt dịp Tết năm nay.

Năm nay, sản phẩm tì hưu, lì xì vàng sức tiêu thụ không đột biến, song mặt hàng 12 con giáp và hạt gạo vàng lượng bán ra lại tăng mạnh. Dù giá dao động từ 400.000 đến 1 triệu đồng/hạt, song gạo vàng vẫn được mọi người đặt mua xuyên Tết để cầu mong một năm no đủ, giàu sang.

Rau củ siêu thị cháy hàng, dân mua vét sạch

Những ngày này, khu vựa rau sạch, thực phẩm,... tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội thường xuyên trong tình trạng “cháy hàng”, quầy kệ trống trơn do một số người dân có tâm lý mua tích trữ để hạn chế ra ngoài nhiều.

Bên cạnh đó, do trong Tết có xảy ra hiện tượng mưa đá, ảnh hưởng đến nguồn cung rau quả. Trong khi đó, một phần các mặt hàng này được vận chuyển từ Đà Lạt ra Hà Nội cũng phải mất 1 ngày, nên đã xảy ra tình trạng trên.

Loạn giá dịch vụ phun xịt khử trùng nhà cửa vì virus corona

Tại TP.HCM, nhiều cơ sở, công ty diệt muỗi, khử trùng cho biết, mấy ngày nay không chỉ có khách hàng là các trường học, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp mà nhiều hộ dân cũng tìm đến đăng ký phun xịt khử trùng nhà cửa vì lo ngại virus corona.

{keywords}
Dịch vụ phun xịt thuốc khử trùng hút khách.

Do nhu cầu tăng đột biến, các cơ sở không đáp ứng kịp khiến giá cả dịch vụ này tăng vọt. Chẳng hạn, trước đây phí phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn trọn gói (chủ yếu là cloramin B) khoảng 1.000-1.500 đồng/m2 thì này có nơi báo giá tăng lên 3.000 đồng/m2.

Bồ kết lên cơn sốt, dân đua nhau mua xông nhà

Những ngày này, bồ kết khô bất ngờ lên cơn sốt, được người dân đua nhau mua về xông nhà diệt khuẩn khiến giá mặt hàng này tăng gấp đôi ngày thường.Trước bồ đây, kết khô đổ buôn giá chỉ 70.000-80.000 đồng/kg. Mấy ngày nay giá tăng lên 115.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia trong ngành công nghệ sinh hoạch và thực phẩm, phương pháp đốt bồ kết xông nhà không diệt được virus, vi khuẩn như nhiều người nghĩ.

Chợ ế ẩm, tiểu thương quyết không giảm giá thịt lợn

Những ngày gần đây, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, thịt lợn rơi cảnh ế ẩm, lượng người mua giảm mạnh, song giá thịt lợn vẫn ở mức cao ngất ngưởng.

Đáng nói, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang có xu hướng giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh điểm cuối năm 2019.

{keywords}
Hoa bưởi đầu mùa có giá cao.

Hoa bưởi xuống phố, khách giành nhau từng chùm

Sau Tết âm lịch, dân Hà Nội đổ xô đi mua hoa bưởi. Hoa bưởi đầu mùa có giá khá cao, dao động từ 300.000-350.000 đồng/kg.

Nhiều nhà dùng hoa bưởi để cắm trong phòng thay cho các loại hồng, cúc, dơn. Một số người kỳ công còn mua hoa về ướp thành trà, nấu thành tinh dầu hoặc chế biến làm món ăn.

 

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)