Ông Andreas Gruchow - Chủ tịch Hiệp hội triển lãm toàn cầu (UFI), nhận định, ngành công nghiệp triển lãm được dự báo sẽ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến việc bỏ tiền vào các triển lãm và công ty triển lãm.
Ngành triển lãm có sự tham gia và liên kết của nhiều tầng lớp, từ cấp nhà nước, chính phủ đến các hiệp hội, cơ quan xúc tiến và cộng đồng doanh nghiệp. Những hội chợ, triển lãm thật sự thu hút và mang lại nhiều giá trị kinh tế cho nhiều bên tham gia vào hệ thống này, từ doanh nghiệp, hệ thống mạng lưới phân phối, thi công dàn dựng, vận chuyển, du lịch đến dịch vụ.
Đơn cử Thái Lan, mỗi năm thu về triệu đô từ ngành công nghiệp này. Theo số liệu, năm 2018, tăng trưởng của công nghiệp triển lãm lên tới 35,9%, mức cao nhất trong 14 năm gần đây, đưa Thái Lan là điểm đến hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong đón khách MICE. Ngoài ra, lượng khách này còn đóng góp đến 10% vào doanh thu toàn ngành du lịch Thái Lan.
Thực phẩm và kinh doanh nông nghiệp, y tế và sức khỏe, kỹ thuật và công nghệ ô tô cũng là một trong những ngành nổi bật thu hút số lượng lớn khách tham quan và các nhà tổ chức triển lãm thương mại ở nước ngoài đến triển lãm ở Thái Lan năm 2018.
Tại Việt Nam chưa có thống kê chính xác nhưng ước tính có khoảng gần 100 hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức ở hầu hết các thành phố lớn. Giá trị xã hội mà ngành triển lãm đem lại không nhỏ, có thể thấy được điều này qua tần suất các triển lãm, các triển lãm chuyên ngành được khai thác triệt để, quy mô của mỗi sự kiện, số lượng khách tới tham quan cùng với giá trị kinh tế đem lại cho mỗi doanh nghiệp khi tham gia cũng có thể hình dung được sức hấp dẫn của ngành này.
Tại Vietnam Expo, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) đã duy trì có mặt tại hơn 20 năm, với những nỗ lực bền bỉ trong việc xây dựng hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp hai nước, mục tiêu mở rộng thị trường cũng như gắn bó hợp tác dài lâu.
Theo Kotra, ước chừng có khoảng 200 lượt gặp gỡ được thu xếp trước với những khách hàng mục tiêu ở nhiều nhóm sản phẩm là nòng cốt và thế mạnh của Hàn Quốc như điện tử và công nghệ thẩm mỹ, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, đại diện Ngân hàng Việt Nga (VRB), chia sẻ lý do tham gia là hội chợ thu hút nhiều khách tham quan quốc tế, và mục tiêu trọng tâm là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư và làm việc tại Việt Nam.
Là một kênh xúc tiến thương mại đem đến nhiều lợi ích giao thương, gặp gỡ đối tác, tìm hiểu thị trường, thì các hội chợ, triển lãm ngày càng được đầu tư bài bản hơn và thu hút hơn. Nhưng cần nhiều hơn sự nỗ lực từ các cấp quản lý, nhà tổ chức và DN tham gia để những sân chơi này trở thành công cụ hội nhập hiệu quả hơn ngay trên sân nhà.
Ông Trịnh Xuân Tuấn (Phó tổng giám đốc Vinexad), cho rằng “Để thu hút các doanh nghiệp tham gia đòi hỏi ban tổ chức phải thật sự chuyên nghiệp trong việc tạo ra các kết nối đạt hiệu suất cao. Bởi vậy, xây dựng các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan tới từ nhiều thị trường và tỉnh thành phố là một trong những mục tiêu hàng đầu được đặc biệt chú trọng.”
Theo đó, các hoạt động đi kèm như diễn đàn,hội thảo, tọa đàm được thiết kế riêng cho mỗi kỳ hội chợ để tạo sức hút và gia tăng các giá trị kết nối.
Có một điểm chung là ở các triển lãm có được lợi thế về uy tín và lượng khách tham quan, các hoạt động trong khuôn khổ được xây dựng theo chí hướng vì lợi ích doanh nghiệp mà một nhà tổ chức có tầm nhìn sẽ không thể bỏ qua.
Nam Hải