Đó là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị quyết số 42/2023 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Cụ thể, từ ngày 1/1-31/12/2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) tiếp tục là 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa 600 đồng/lít.
Mức này được áp dụng từ tháng 4/2022 đến nay.
Với việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế môi trường, giá xăng, dầu tới tay người tiêu dùng sẽ giảm 1.100-2.200 đồng mỗi lít (đã gồm thuế giá trị gia tăng), riêng dầu hỏa giảm 660 đồng một lít.
Từ 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần trong biểu khung thuế, tức là 4.000 đồng một lít với xăng (trừ ethanol); nhiên liệu bay là 3.000 đồng một lít.
Bộ Tài chính cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Vì vậy, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng đã hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Vào đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và mỡ nhờn trong năm 2024.
Tại tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2024, mức giảm như trên.
Tờ trình cũng nêu rõ, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương năm 2023 và với mức thuế bảo vệ môi trường như đề xuất nêu trên thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 38.929 tỷ đồng và tổng thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) giảm khoảng 42.822 tỷ đồng.