Sau nhiều lần tạm dừng và hoãn xét xử, sáng 28/12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ kiện dân sự giữa Vinasun và Grab.
Trước đó, trình bày tại phiên tòa, đại diện Vinasun cho rằng, giá trị vốn hóa thị trường của công ty đã bị sụt giảm nghiêm trọng; các nhà đầu tư bán cổ phần do không còn tin vào tương lai của ngành taxi, đặc biệt là tương lai của Vinasun. Vi vậy, công ty này yêu cầu bồi thường 41,2 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vinasun chăm chú nghe HĐXX tuyên án. |
Cũng theo Viansun, Grab tự nhận là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, không phải nhà cung cấp dịch vụ là ngụy biện, né tránh trách nhiệm, cố tình lách luật và trốn thuế, cố tình thu thập thông tin và chia sẻ dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3 bao gồm cá tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện Grab cho rằng, cả số liệu giám định, phương pháp giám định đều không chính xác. Grab cho rằng Vinasun không chỉ ra được quan hệ nhân quả hay nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do hành vi nào.
Trong phần tuyên án, đánh giá về vụ việc, HĐXX khẳng định việc tòa thụ lý vụ án là đúng chức năng và không ảnh hưởng đến quá trình hội nhập hay đầu tư nước ngoài như Grab cố tình gán ghép trong quá trình giải quyết vụ án.
HĐXX cũng dẫn phán quyết trước đó của Tòa án công lý Châu Âu và nhấn mạnh Grab đã không tuân thủ quy định pháp luật về hợp đồng vận tải điện tử, tùy tiện tăng giá. Ngoài ra, dù Grab nói mình chỉ cung cấp phần mềm kết nối nhưng lại hoạt động như một đơn vị kinh doanh vận tải taxi.
Căn cứ vào kết quả giám định, HĐXX cho rằng có đủ cơ sở xác định thiệt hại của Vinasun là có thật, trong đó có nguyên nhân do Grab gây ra.
Cũng theo HĐXX, từ 14/2/2014 đến nay, Grab đã thực hiện kinh doanh bằng xe taxi nhưng không chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh, do vậy, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của Vinasun, tuyên Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun chứ không phải số tiền 41,2 tỷ đồng Vinasun yêu cầu.
Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng cơ chế quản lý để các đơn vị có điều kiện kinh doanh bình đẳng.