Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trước đây, trong một thời gian dài, chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố và chỉ tiêu GDP của cả nước diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng qua từng năm, thậm chí có năm lên tới 2 con số. Chẳng hạn, năm 2012, tốc độ tăng tổng GRDP của các địa phương là 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng GDP (5,25%) do Tổng cục Thống kê biên soạn. Mặc dù, năm 2012 kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp khó khăn, nhưng không có địa phương nào công bố tăng trưởng GRDP thấp hơn tốc độ tăng 5,25% của cả nước, thậm chí vẫn có 21 địa phương tăng GRDP trên 10%.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này do bệnh thành tích của các địa phương và sự hạn chế về số lượng và năng lực nhân sự của các cục thống kê. “Một số địa phương có biểu hiện của “bệnh thành tích” khi biên soạn và báo cáo số liệu giá trị sản xuất, giá trị gia tăng và GRDP trên địa bàn cao hơn thực tế” - ông Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (TCTK) cho biết.

{keywords}
Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”

Trước thực tế đó, đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 (Đề án 715) đã ra đời, với kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, xóa bỏ chênh lệch và tiến tới thống nhất số liệu GDP của trung ương và GRDP địa phương.

Qua 5 năm (2015- 2020) triển khai thực hiện, quy trình mới được xây dựng và áp dụng từ năm 2017 đã thu được kết quả bước đầu rất quan trọng; kỳ biên soạn, thời gian công bố thống nhất và ổn định, chất lượng số liệu GRDP bảo đảm nên các đối tượng dùng tin, trong đó có lãnh đạo các địa phương tin cậy sử dụng những kết quả này, khẳng định chủ trương đổi mới quy trình biên soạn và công bố GRDP tập trung tại Tổng cục Thống kê là đúng đắn, thiết thực và hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập như: Số lượng và chất lượng thông tin đầu vào, số liệu trung gian còn hạn chế; công cụ tính toán chưa hoàn thiện, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính kịp thời; đầy đủ và chính xác của số liệu GRDP đầu ra. Những yếu kém này cần có giải pháp đồng bộ xử lý, khắc phục, nhằm nâng cao hơn nữa kết quả và hiệu quả của Đề án.

Theo kết quả của 2 cuộc khảo sát đánh giá thực hiện đề án, có 46/63 Cục Thống kê cho rằng số liệu GRDP phù hợp với quy mô kinh tế của địa phương; 47/63 Cục Thống kê cho rằng phù hợp với tốc độ tăng và 51/63 Cục Thống kê cho rằng phù hợp với cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng số liệu GRDP giai đoạn 2017-2020.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án "Đổi mới quy trình biên soạn số lượng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” vừa diễn ra tại Hà Nội, các địa biểu đã thảo luận làm rõ thêm những ưu điểm, hạn chế của việc biên soạn và công bố GRDP theo quy trình mới. Đồng thời, thảo luận giải pháp nhằm nâng cao kết quả và hiệu quả trong thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và các quy định về biên soạn, công bố GRDP; hoàn thiện công cụ tính toán; nghiên cứu xây dựng lịch công tác, hội họp có nội dụng liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn phù hợp với thời gian công bố số liệu GRDP của Tổng cục Thống kê.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin phục vụ biên soạn và công bố GRDP cho Tổng cục Thống kê; xây dựng, ký kết và thực hiện có hiệu quả quy chế, thỏa thuận trao đổi, chia sẻ thông tin. Đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất sử dụng số liệu GRDP do Tổng cục Thống kê công bố; chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Đề án 715/QĐ-TTg. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu cân đối với năng lực thực tế, góp phần giảm áp lực và bảo đảm tính khách quan, thống nhất đối với các chỉ tiêu đánh giá, trong đó có chỉ tiêu GRDP.

Thu Hà