Bàn về nghề cá khu vực, PGS. TS Nguyễn Hồng Thao (Học viện Ngoại giao) từ mấy năm trước đã đưa ra nhận định, khủng hoảng nghề cá đã lên đến đỉnh điểm và phải được ngăn chặn bằng sự hợp tác ở cấp độ toàn cầu và khu vực.

UNCLOS đã đặt ra nghĩa vụ hợp tác để phát triển nghề cá bền vững nhưng các quy định và thực thi sẽ được “theo thỏa thuận”. Vượt qua cuộc khủng hoảng nghề cá phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm và chính sách của từng quốc gia. Điều này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác lập pháp và các cơ quan thực thi nghề cá. Mô hình quản lý nghề cá độc quyền của Nhà nước là không đủ nếu không có sự tham gia tích cực hơn của các tổ chức quốc tế trong kiểm soát, kiểm tra và giám sát (MCS) việc phân bổ các tài nguyên cá.

W-danhbatca.png

Giống như các khu vực khác, Đông Nam Á cần có một một RFMO thống nhất với mức độ đáng tin cậy cao cho các quốc gia liên quan. Một trong những ưu tiên là cần nâng cao năng lực và chất lượng của các báo cáo đánh bắt.

Trong mười năm nữa, FAO và RFMO, với sự hỗ trợ tích cực của các quốc gia phải vạch ra chiến lược đánh bắt có trách nhiệm cho từng vùng biển dựa trên dữ liệu đáng tin cậy và hạn ngạch cho phép; tiến hành điều tra đánh bắt tổng thể để làm rõ tỷ lệ sản lượng đánh bắt của các đội tàu ven bờ và xa bờ; thực hiện chế độ báo cáo thống nhất và toàn diện cho tất cả các tàu; các nước trong khu vực cam kết giảm quy mô nghề cá nhỏ và trang bị GPS và giám sát vệ tinh cho tất cả các loại tàu thuyền; thành lập các khu bảo tồn biển ở cấp quốc gia và khu vực để bảo tồn môi trường bền vững đối với các nghề cá khác nhau. Để triển khai các công việc này,các quốc gia cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật rất lớn từ FAO và các tổ chức quốc tế khác.

Hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật ở các quốc gia khác nhau cần được tăng cường thông qua việc sử dụng các kênh khác nhau, chẳng hạn như tiếp xúc song phương hoặc đa phương, chỉ định các nhân viên liên lạc chính sách nghề cá ở nước ngoài, hợp tác phòng ngừa các vi phạm nghề cá, hợp tác chia sẻ thông tin, hợp tác trong quá trình điều tra hoặc hợp tác thông qua các tổ chức cảnh sát quốc tế hoặc thông qua các tổ chức khu vực như Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh việc phân định vùng biển ở khu vực Đông Nam Á; thiết lập cơ chế giải quyết chung các tranh chấp trên biển; các quốc gia có yêu sách trên Biển Đông cần hợp tác và tạo điều kiện cho ngư dân các nước được tự do tiếp cận nguồn cá trong phần trung tâm Biển Đông dưới sự kiểm soát, kiểm tra và giám sát của Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực (RFMO) mới được thành lập. Với vị trí và năng lực của mình, Việt Nam cần chủ động tham gia quá trình ổn định và dẫn dắt bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên sinh vật biển ở Biển Đông.

Nhóm PV (T/h)