Nhiều người ngưỡng mộ cuộc sống tự do, được làm điều mình thích của phượt thủ Anh nhưng cũng không ít người cho rằng đó là hành động ngu ngốc khi cược cả tính mạng vì sở thích.

Quá mạo hiểm

Vụ việc phượt thủ người Anh Aiden Shaw Webb bỏ mạng trên đường chinh phục đỉnh Fansipan đang tạo ra những luồng dư luận trái chiều trong cộng đồng mạng, đặc biệt là những người trẻ yêu du lịch bụi – “phượt thủ”. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là tại sao một người dày dạn kinh nghiệm phượt như Aiden lại gặp nạn?

Theo chia sẻ của bạn gái phượt thủ, cô Bluebell Baughan, Aiden là một người rất thích leo núi nên anh đã chọn leo Fansipan theo đường mòn. Anh muốn chinh phục Fansipan một mình không cần người dẫn đường nên ngay cả khi bị ngã, bị thương, Aiden vẫn yêu cầu bạn gái không được gọi sự giúp đỡ. Chỉ đến khi bị thương ở đầu gối khá nặng, Aiden mới đồng ý gửi vị trí để bạn gái gọi cứu trợ.

{keywords}

Cung đường và cách chinh phục Fansipan của Aiden được cho là quá nhiều rủi ro nhưng đó lại là sở thích của những người mê leo núi, coi leo núi như một môn thể thao mạo hiểm.

Một số cư dân mạng cho rằng, cách chọn cung đường mòn không có người dẫn đường khi không thông thạo địa hình của Aiden là quá mạo hiểm, đó cũng là lý do dẫn đến tai nạn của anh.

“Mình sinh ra và lớn lên ngay sát rừng nên mình tương đối hiểu. Nhưng rất hiếm khi mình đi rừng mà không có dân địa phương đi cùng, đi 1 mình rất nguy hiểm, vào núi đá vôi thì chết chắc. Chỉ 1 cú sơ ý gẫy chân thì vĩnh viễn nằm lại, nếu có bạn đồng hành thì họ sẽ dìu hoặc gọi người đến giúp”, độc giả Phạm Văn Thế chia sẻ.

“Đi du lịch bụi thì không nên lẳng lặng mà đi như thế. Leo Fansipan theo đường mòn thì nên khai báo với ban quản lý rừng. Nơi nào yêu cầu có dẫn đường địa phương thì nên chấp hành. Aiden là một người rất có kỹ năng, nhưng rủi ro rẫm luôn xảy đến với cả những người giỏi nhất”, bạn Ngọc Linh chia sẻ.

Phượt thủ có tên Huyart cho rằng, Aiden có đầy đủ các kỹ năng của một phượt thủ chuyên nghiệp nhưng vì chọn cung đường quá nhiều rủi ro, cùng cách leo núi theo kiểu của môn thể thao mạo hiểu mà anh yêu thích nên mới gặp nạn.

“Môn thể thao này không dùng bất cứ 1 công cụ thiết bị hỗ trợ nào, thức ăn cũng không, đôi khi chỉ mang 1 chai nước. Phong cách này không thể gọi là chủ quan, thiếu hiểu biết, vì nó là 1 môn thể thao mạo hiểm thực sự. Không biết lần này Aiden có mặc áo không, chứ những tấm ảnh trước thấy anh toàn cởi trần trùng trục. Môn này cũng chỉ đi đơn lẻ hoặc nhóm siêu nhỏ, trong trường hợp cụ thể này thì không có bạn đồng hành cũng đúng. Nhưng anh ta không lường hết các khó khăn sinh tử nếu bị chấn thương ở vùng rừng núi như Hoàng Liên Sơn: Vách đá cực trơn, hay sạt lở rơi rụng khi mưa do đá hay trộn lẫn với đất (còn gọi là đá không chân hoặc đá mồ côi). Cái lạnh khi ngấm mưa ở độ cao 3000m khác hẳn cái lạnh của tuyết xứ quê nhà”, Huyart phân tích.

Cái chết trong hoang dã

Cái chết của Aiden làm người ta nhớ đến câu chuyện của Christopher Johnson McCandless của hơn 20 năm trước, Christopher cũng 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học Emore, đã quyết định bỏ lại tất cả để đi “vào trong hoang dã”.

Những dòng cuối cùng của Christopher trong cuốn nhật ký là: “Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc. Xin cảm ơn Chúa. Tạm biệt. Chúa phù hộ cho tất cả mọi người.” Sau đó, anh chui vào trong chiếc túi ngủ và ra đi thanh thản vào năm 1992, sau 2 năm đi lang thang.

{keywords}

Câu chuyện của Aiden Webb khiến chúng ta nhớ tới Christopher McCandless của 20 năm trước.

Câu chuyện của Aiden Webb cũng phần nào giống như Christopher. Aiden thích leo núi, một mình khám phá những sườn núi cheo leo. Aiden coi leo núi như một môn thể thao mạo hiểm nên thường không mang đồ bảo hộ. Và cũng như Christopher, anh đã bỏ mạng nơi rừng hoang dã. 

Tuy không có nhật ký nhưng thông qua tin nhắn với bạn gái, Aiden đã gửi lời xin lỗi trước tới gia đình và hi vọng sẽ tự mình tìm được đường xuống chứ không cần cứu hộ. Trước đó, trên Facebook, Aiden cũng chia sẻ cảm xúc khi leo núi ở Việt Nam: “Chưa bao giờ vui đến vậy. Chưa bao giờ trí óc tôi được giải phóng đến vậy.”

Một số cư dân mạng cho rằng, Aiden và Christopher là hiện thân của những người yêu cuộc sống tự do, được làm điều mình thích theo kiểu “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/ còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.

“Đam mê khám phá có thể trả giá bằng tính mạng. Đừng ai trách bạn vì điều đó bởi dũng cảm từ bỏ môi trường quen thuộc, khám phá môi trường mới là một yếu tố để con người nguyên thủy tiến hóa. Vì vậy năm nào cũng có người chết trên đỉnh Everest nhưng người ta vẫn cứ đi và thách thức bản thân”, một độc giả bày tỏ.

“Theo tôi đó là lựa chọn cách sống và đam mê của Webb, cũng có thể nơi chín suối Webb đang mỉm cười vì đã sống hết mình cho đam mê khám phá, cũng có thể anh ta không cần ai xót xa hay khóc hộ. Vậy ai có quyền phán xét Webb khôn ngoan hay ngu xuẩn”, độc giả Ngọc Minh nói.

Alex Honnold, một nhà leo núi tự do mới nổi cũng chia sẻ rằng, nằm sâu trong trái tim những nhà thể thao mạo hiểm là ham muốn được tự do và thoát khỏi các khuôn phép. Trong đó, giới hạn cao nhất chính là nỗi sợ của họ. Nó luôn thường trực và là thách thức để con người vượt qua giới hạn.

“Bắt đầu từ cuối những năm 90, môn leo núi đã đạt đến cảnh giới tối cao của sự liều lĩnh với trường phái free solo climbing (leo tay không, không dây). Với họ, những ngọn núi là một đại dương thuần khiết, ta chỉ có thể bơi trong đó bằng chính bàn tay và đôi chân. Điều này đồng nghĩa, những người tham gia đều đánh cược100% mạng sống của họ vào thể lực, sức khỏe và những rủi ro không tiên lượng”, Alex chia sẻ.

K. Minh (tổng hợp)