Sau 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường này tăng mạnh, đơn đặt hàng tăng rất nhiều.
Nông sản Việt ồ ạt sang EU
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ví von như "con đường cao tốc" dẫn hàng hóa Việt, trong đó có nông sản tiến vào thị trường EU rộng lớn và đầy tiềm năng với tâm thế nhanh, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, chỉ 2 tháng sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực (1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU đã đạt 766,3 triệu USD. Đáng chú ý, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU trong tháng 8 tăng tới 11,9% so với tháng 7/2020; tháng 9 tăng tới 35% so với tháng 8.
Ông Tiến cho biết, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA, Bộ NN-PTNT đã xây dựng ngay chương trình hành động cho ngành nông nghiệp.
Trước đó, các doanh nghiệp đã chuẩn bị từ khâu giống, vật tư đầu vào đến quy trình nuôi,... để đón sóng cơ hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngày càng năng động trong tìm kiếm thị trường, liên kết với nông dân thực hiện đúng các khuyến cáo của EU để nâng cao giá trị nông sản.
Tôm là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang EU |
Nhờ đó, hai tháng qua, đơn hàng đặt mua nông sản Việt từ khách hàng EU tăng rất nhiều. Thời gian tới, nếu chúng ta làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt chất lượng nông sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu vào EU sẽ còn lớn hơn nữa.
Thứ trưởng Tiến nhận định, trong số các mặt hàng có lợi thế vào EU, hai mặt hàng tôm và cá tra được đánh giá cao. Trong đó, mặt hàng tôm năm nay cho sản lượng lớn, giá cao, cơ hội vào EU rất tốt,
Với mặt hàng cá tra, sau một thời gian chững lại, giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đã tăng tới 13%. Sang tháng 8-9, xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục khởi sắc, giá cá tra nguyên liệu cũng tăng lên 19.000-20.000 đồng/kg. “Mới đây đã có doanh nghiệp ký xuất khẩu 300.000 tấn cá tra mỗi năm vào thị trường Nga”, ông Tiến nói.
Trước đó, giữa tháng 9, các lô hàng tôm, gạo, bưởi, cà phê, chanh leo, dừa tươi, thanh long,... cũng lần lượt được xuất khẩu sang thị trường EU theo hiệp định EVFTA, hưởng thuế suất 0%.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang EU cho biết, việc giảm thuế theo EVFTA giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường này. Các nhà nhập khẩu của EU cũng gia tăng nhu cầu đối với trái cây Việt Nam.
“Có khá nhiều nhà nhập khẩu của EU đã liên hệ với chúng tôi đặt vấn đề nhập khẩu trái cây. Nhưng do đang trong thời kỳ dịch bệnh, việc thanh toán không được thuận lợi như trước kia, nên công ty cũng phải chọn lọc khách hàng”, vị Tổng giám đốc chia sẻ.
Muốn đi đường dài phải làm hàng theo chuỗi
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thị trường châu Âu mở ra với thuế suất bằng 0% đã kéo giá trị sản xuất hàng nông sản Việt Nam lên rất nhiều. Song, ông cho rằng ưu đãi thuế quan chỉ là bước khởi đầu để các doanh nghiệp bước vào thị trường EU.
Muốn nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ quy trình phía EU yêu cầu, từ tổ chức sản xuất, sử dụng giống, vật tư đầu vào, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đến khâu chế biến, vận chuyển phải đảm bảo an toàn và minh bạch.
Các DN cần liên kết làm theo chuỗi khép kín, tập trung chế biến sâu tận dụng lợi thế từ EVFTA |
Hiện Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 8% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta vào EU đạt 4,6 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, EVFTA chính thức có hiệu lực chính là dư địa tập trung đột phá nông sản Việt xuất khẩu. Thế nên, những nhóm ngành hàng lợi thế chúng ta phải tập trung triển khai tích cực ngay.
Việt Nam đã xác định được các nhóm ngành hàng có lợi thế, gồm: rau quả, thuỷ sản, cây công nghiệp (cà phê, chè, điều,... ), gạo. Những nhóm ngành hàng này chúng ta tập trung đẩy nhanh hơn công tác sản xuất chuỗi, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng.
Cùng với đó, chúng ta cũng chú ý đến các chương trình dài hạn, căn cơ bền vững, và xác định không gì bền vững bằng tái cơ cấu chuỗi, với sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp, HTX, nông dân để hình thành quy trình khép kín từ khâu tổ chức nguyên liệu tới chế biến, thương mại,... tranh thủ khai thác tốt thị trường này.
Song, theo Bộ trưởng, hình thành được chuỗi sản xuất, khâu cuối cùng trong tổ chức sản xuất nông sản thì doanh nghiệp chính là hạt nhân quan trọng. Bởi, doanh nghiệp không chỉ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng từ khâu sản xuất, mà còn quản trị, tổ chức chế biến, nhân lực, tổ chức xuất khẩu thương mại.
“Phải chăm lo cho doanh nghiệp, từ nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp dân tộc, để lực lượng này ngày càng lớn mạnh, từ đó liên kết với bà con nông dân hình thành các tổ chức sản xuất, qua đó hình thành chuỗi khép kín, tiến tới tổ chức một nền nông nghiệp hiện đại, thắng lợi trong hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tâm An