Sáng 2/2, lễ giỗ Tổ làng nghề mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) diễn ra với hàng trăm du khách tham gia.

Chương trình với buổi trình diễn nghề mộc, dệt chiếu, đan thúng, điêu khắc gốc tre cùng các trò chơi dân gian...

Tại buổi lễ có nhiều nghệ nhân trình diễn điêu khắc tượng trên gỗ.
Chị Ngọc Ngà (áo đen, 34 tuổi, quê ở TP Hội An) cho biết, đây là lần đầu tiên chị được thực hiện việc đan chiếu trực tiếp. Ban đầu công việc khá khó vì chưa quen, khi gập vào không đủ lực nên chiếu chưa sát và chắc chắn. Thực hiện một hồi cảm thấy quen và dễ hơn.
Đoàn khách 34 người đến từ đảo New Caledonia thích thú với việc đan chiếu diễn ra trực tiếp.
Ông Michel Reverce (66 tuổi, trưởng đoàn) cảm thán: “Thật tuyệt vời, một lễ hội thực thụ. Nơi tôi ở không có những hoạt động này. Đây là lần đầu tiên tôi thấy được cách làm ra một chiếc chiếu. Kỷ niệm này thực sự khó quên đối với bản thân tôi”.

Du khách cũng được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian như ném vòng vào mục tiêu, đập niêu nhận quà.

Em Rowan Monefara (12 tuổi) được chỉ dẫn những động tác đầu tiên để làm ra chiếc thúng. “Em cảm thấy thích thú với công việc này, nghệ nhân chỉ cho em rất kỹ. Theo quan sát từ đầu và thực hiện đóng các nẹt tre, em cảm thấy việc sắp xếp các nẹt là khó nhất, yêu cầu phải chính xác để các khớp kín, không bung ra”, Rowan Monefara cười và nói.
Còn với anh Tony (25 tuổi) lại thấy tò mò với gian hàng ổi được bày bán gần đó. Theo anh, được hướng dẫn viên giới thiệu về đặc sản Việt Nam, anh mua ổi để thưởng thức xem trái cây ở đây như thế nào: “Hy vọng nó sẽ ngon”, anh Tony kỳ vọng.
Nhóm bạn nhỏ trẻ tuổi khác lại chọn trò chơi ô ăn quan để trải nghiệm.
Armand (bìa trái, 12 tuổi) chia sẻ: “Trò chơi rất hay, yêu cầu người chơi phải tính toán đường dài, bên cạnh đó còn có sự may mắn nữa. Các bạn Việt Nam đánh rất giỏi”.

Ngay tại cổng làng mộc Cẩm Kim, một khối gỗ lớn đang được nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (54 tuổi) tạc với tác phẩm “Thương cảng Hội An”. 

“Đây là tác phẩm được làng đặt, tôi cùng một nghệ nhân khác đảm nhiệm điêu khắc trong vòng 6 tháng. Khối gỗ này được vớt dưới sông, cao 3m, rộng 2,5m. Sau khi hoàn thành, tác phẩm sẽ được đặt tại cổng làng để trưng bày”, ông Sướng giải thích.