Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” khai mạc sáng 7/7/2015, dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, những năm qua, kể từ khi có chính sách đổi mới từ những năm 90 của thế kỷ 20, nhận thức về du lịch trong xã hội không ngừng được cải thiện. Nhờ vậy, trong hơn 2 thập kỷ qua, du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kế thừa những thành tựu đạt được, phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế, yếu kém và thích ứng trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hiện nay, đòi hỏi tất cả chúng ta cần phải chuẩn bị tốt mọi tâm thế về nhận thức và năng lực để quản trị quá trình phát triển du lịch đạt tới sự sáng tạo và bền vững trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng: Năm 2015, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương là nghiên cứu định hướng chiến lược phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Vương Đình Huệ cho biết, Năm 2015, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương là nghiên cứu định hướng chiến lược phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đưa ra những số liệu, tác động của du lịch đối với phát triển kinh tế, theo đó: du lịch đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tăng 30 lần trong 24 năm qua ( tính từ năm 1990), đạt 7,874 triệu lượt khách năm 2014. Khách du lịch nội địa tăng 35 lần so với năm 1990. Gia tăng nhanh thu dịch vụ du lịch và đóng góp vào GDP, tổng thu trực tiếp từ khách du lịch năm 2014 là 230.000 tỷ đồng ( gần 9,7 tỷ USD), bằng 6% GDP; tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trung bình 18,76%/ năm. Doanh thu ngoại tệ từ du lịch chỉ đứng sau 4 ngành xuất khẩu hàng hoá là dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản. Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết 92 ngày 8/12/2014, Chính phủ đã ban hành một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong thời kỳ mới với những biện pháp rất kịp thời khắc phục đà sụt giảm mức tăng trưởng của du lịch trong 6 tháng đầu năm 2015. Nghị quyết của Chính phủ hàng tháng cũng đề cập đến vấn đề này. “Vì vậy, Du lịch nước ta có tăng trưởng nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước”, Ông Vương Đình Huệ nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại của du lịch Việt Nam như: Liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch ( nhất là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ) liên kết ngành, vùng, liên vùng còn lỏng lèo, kém hiệu quả. Tuy đã có nhiều cố gắng hình thành, bản thân liên kết văn hoá, thể thao- du lịch cũng chưa được như kỳ vọng. Chất lượng sản phẩm, khai thác phát triển sản phẩm và điểm đến du lịch còn hạn chế. Sản phẩm còn thiếu tính "khác biệt" và "đẳng cấp": Chủ lực, bản sắc dân tộc; thiếu đa dạng, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm và còn lúng túng. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, chắp vá, kể cả những địa bàn trọng điểm, chưa có khu du lịch Quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch được công nhận theo các tiêu chí của Luật Du lịch, môi trường du lịch còn hạn chế..
Thanh Liêm