Vị khách bị phạt vì nhân viên khách sạn nghi ngờ anh ta thuộc diện “người bán lại phòng” - người tìm cách kiếm lợi bằng cách chuyển nhượng phòng và những lợi ích đi kèm với phòng cho người khác.

Vị khách họ Tang, thành viên VVIP, đã đặt hai phòng trong ba đêm bắt đầu từ ngày 9/5 tại khách sạn Hilton Bắc Kinh Vương Phủ Tỉnh cho bản thân và gia đình.

Khi nhận phòng, người đã ký “thư cam kết” sẽ không chuyển nhượng quyền lợi thành viên trong thời gian lưu trú.

khach VIP anh 1

Khi nhận phòng, vị khách phải ký “thư cam kết” mà anh cho rằng chỉ mang tính hình thức. Ảnh: Toutiao.

Thư cam kết nêu rõ: “Nếu đặt phòng của quý khách liên quan đến chuyển nhượng trái phép các lợi ích thành viên trong thời gian lưu trú, khách sạn sẽ tính thêm 500 nhân dân tệ mỗi đêm. Phí này bao gồm bữa sáng, nâng cấp phòng, lợi ích điều hành và tiện nghi chào mừng thành viên”.

Tang, vốn là một khách hàng thường xuyên của Hilton, cho biết: “Khi họ đưa ra lá thư cam kết, tôi không nghi ngờ gì cả, tôi chỉ ký vào đó”.

Tuy nhiên, sau khi trả phòng, anh nhận được cuộc gọi từ quản lý khách sạn, người này cho biết hình ảnh video giám sát cho thấy anh không ở trong phòng qua đêm.

Điều này dẫn đến khoản phí bổ sung là 3.000 nhân dân tệ, tức 500 nhân dân tệ mỗi phòng mỗi đêm trong ba đêm, số tiền này đã được khấu trừ vào tiền đặt cọc của Tang.

Vị khách rất ngạc nhiên và giải thích rằng anh không trở về phòng vào ban đêm vì anh đang tìm cách thích nghi với sự chênh lệch múi giờ và đi chơi cả đêm, chỉ về vào ban ngày để nghỉ ngơi.

“Thật vô lý khi cho rằng tôi chuyển quyền lợi thành viên của mình chỉ vì không ở lại qua đêm”, anh nói với tờ Hàng Châu Nhật báo.

Tang cũng cho rằng việc quay video giám sát khách suốt 24 giờ của khách sạn là lố bịch và đặt câu hỏi về sự thiếu cân bằng vị thế của thư cam kết, điều anh chưa từng gặp ở các khách sạn Hilton khác.

“Nội dung thư cam kết này đơn phương hạn chế hành vi của người tiêu dùng. Việc Hilton Bắc Kinh Vương Phủ Tỉnh giám sát việc lưu trú qua đêm và tính thêm 500 nhân dân tệ mỗi phòng mỗi đêm có vi phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng và Luật Bảo vệ người tiêu dùng không?", Tang đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với The Paper.

Ngày 30/5, khách sạn nói với South China Morning Post rằng vụ việc đang được điều tra và sẽ sớm có phản hồi chính thức.

Một đại diện từ Trung tâm thành viên toàn cầu Hilton cũng đưa ra phản hồi tương tự.

khach VIP anh 2

Câu chuyện đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng, dẫn đến việc khách sạn bị chế giễu là "đồn cảnh sát Hilton". Ảnh: Tripadvisor.

Câu chuyện đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, thậm chí còn khiến khách sạn được đặt biệt danh là “đồn cảnh sát Hilton”.

Một người quan sát trực tuyến cho biết: “Khách sạn này được vận hành giống như ký túc xá đại học hay ký túc xá trung học? Nhân viên tiếp tân có đóng vai trò là người giám sát ký túc xá không?

Cuộc tranh cãi cũng làm nổi bật vấn đề chuyển nhượng trái phép quyền lợi và phòng của thành viên.

“Những kẻ cơ hội” có thể lợi dụng những lợi ích này để đặt phòng rồi bán lại kiếm lời, theo nhiều người dùng mạng xã hội.

Một số cư dân mạng nghi ngờ Tang có thể là “người bán lại phòng” như vậy nhưng họ cũng đề xuất các biện pháp để giải quyết vấn đề.

Một người cho biết: “Hoạt động bán lại như vậy gây hại cho khách sạn, tạo ra lỗ hổng bảo mật do thông tin đặt phòng và khách không khớp nhau. Nếu có chuyện gì xảy ra, khách sạn phải chịu trách nhiệm”.

Một người khác cho biết: “Nếu Tang bán lại phòng, khách thật có thể chưa đăng ký và khách sạn cũng không muốn nói thẳng vì có thể dẫn đến sự vào cuộc của cảnh sát”.

“Nếu không, khó có khả năng họ sẽ tính phí nếu không ở lại qua đêm”.

Sau cùng, Tang đã nhận được khoản hoàn trả đầy đủ 3.000 nhân dân tệ từ khách sạn sau khi nộp đơn khiếu nại lên trụ sở chính của Hilton.

Theo Znews