Hành trình của Harrison Jacobs, cây viết đến từ Business Insider*
Chắc hẳn, bạn đã nhìn thấy vô số bức ảnh chụp du khách cuốc bộ trên những dãy núi cheo leo, bước run rẩy trên ván gỗ còn bên dưới là vực thẳm. Vô cùng đáng sợ, mặt đỏ tía tai và adrenaline cứ thế túa ra.
Khi tìm thấy một địa điểm như thế ở Trung Quốc, tôi quyết định phải làm một chuyến tới đó cho biết.
Cách Tây An khoảng 1 giờ đi xe, dãy Hoa Sơn là một trong những điểm du lịch cực hút khách của Trung Quốc. Chưa kể, nó được mệnh danh là địa điểm leo núi nguy hiểm nhất nhì thế giới.
Hoa Sơn có tới 5 đỉnh chính: Bắc, Nam, Đông, Tây và đỉnh trung tâm. Tuy nhiên, thú vị nhất là con đường đi bộ trên ván ở độ cao 2133m. Nghe kể thôi đã thấy hoành tráng rồi đúng không? Thế nhưng, sự đáng sợ lại đến từ con người chứ không phải cảnh quan.
Để đến Hoa Sơn, bạn phải đi tàu cao tốc mất 40 phút từ Tây An, tiếp theo đi bus 30 phút nữa để đến chân núi. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, người ta sẽ ngừng bán vé 30 phút trước giờ tàu chạy. Vì chậm trễ, tôi không thể lên tàu lúc 8h30 sáng.
Chưa kể, vì lý do gì đó mà từ 8h30 đến 10h không có chuyến tàu nào hết. Như vậy, tôi phải đợi đến sau 11h mới đến được chân núi. Nhiều người chọn tới đây từ sớm để ngắm nhìn cảnh vật buổi bình minh.
Cảnh đẹp ở chân Hoa Sơn cực kỳ mê hoặc. Nhìn từ dưới lên, nó giống như ngọn núi đơn chiếc chứ không phải những dãy núi đá trập trùng. Theo ước tính, leo lên tất cả 5 đỉnh của Hoa Sơn mất từ 5 - 7 giờ đồng hồ tùy vào sức khỏe của bạn. Để tiết kiệm thời gian đến con đường ván gỗ đáng sợ, tốt nhất hãy ngồi cáp treo.
Có 2 đường cáp treo lên đỉnh Hoa Sơn - một đến đỉnh Bắc, một đến đỉnh Tây. Phía Bắc khoảng 2 tiếng/chuyến còn phía Tây rất ít người đi nhưng nó đã bị đóng cửa vì gió to?? Điều đó khiến đường cáp treo phía Bắc đông nghẹt người, đông một cách đáng sợ.
Sau khoảng 1 tiếng rưỡi, tôi đến ngôi chùa đánh dấu 1/4 chặng đường đến cáp treo. Tuy nhiên, tôi được biết ở đó chỉ chấp nhận tiền mặt, WeChat Pay hoặc AliPay, không thẻ tín dụng. Tôi gần như định trở lại Tây An. May mắn thay, một người phụ nữ bản địa tốt bụng đã giúp tôi thanh toán bằng AliPay: 150 tệ (hơn 500.000 đồng) cho một vé khứ hồi.
Rời khỏi ngôi chùa chừng 30 phút, tôi nhận ra đây chính là một cơn ác mộng. Hàng dài cả trăm, cả nghìn người nối đuôi nhau chờ mua vé cáp treo. Xếp hàng cả ngày chứ chẳng chơi.
Bằng này con người giết thời giờ bằng cách ăn vặt, cuối mỗi lối đi là cả núi cốc mì ăn liền và chai nhựa rỗng.
Chưa hết, còn cả lõi ngô vứt khắp nơi nữa. Đã là 3h chiều, rồi đến 3h30...
Cuối cùng, tôi cũng chui được vào cáp treo. Đây là cảm giác sung sướng nhất từ trước đến giờ, nó khiến tôi quên đi cả sự háo hức dành cho "đường đi bộ nguy hiểm nhất thế giới".
Đi cáp treo chỉ mất khoảng 15 phút. Hôm đó trời nhiều mây, những dãy núi bị sương bao phủ. Tôi chẳng rõ có phải mình đang ở chốn thần tiên nào đó không.
Thông thường, để leo bộ lên đây mất khoảng 4 tiếng. Trong thông tin giới thiệu về Hoa Sơn, người ta nói rằng con đường ván gỗ này được xây dựng bởi các tu sĩ và hòa thượng tu hành tại đây.
Xuống cáp treo, tôi cứ ngỡ mình đã thoát khỏi đám đông nhưng không... Gần như con đường nào dẫn lên đỉnh núi trông cũng như vậy.
Ở độ cao hơn 1600m, quang cảnh ở đây quả là thiên đường, chưa có thiên đường nào đông đúc đến thế.
Trong khi "đường ván gỗ" mới được miêu tả là nguy hiểm, trên thực tế, ngóc ngách nào ở Hoa Sơn cũng đều nguy hiểm. Đường đi rất hẹp, vách núi dựng đứng, những ai sợ độ cao sẽ khóc thét.
Từ đỉnh Bắc, có thể thấy mờ ảo cả 4 đỉnh khác của Hoa Sơn. Bạn càng lên cao, càng ít người.
Thi thoảng sẽ xuất hiện những "thang lên trời" cắt dọc sườn núi như thế này để đi tắt. Tuy nhiên, nếu xảy chân ngã xuống thì coi như xong.
Trong khi có rất nhiều người cao tuổi leo phăm phăm, tôi phải ngồi nghỉ vì hai bên đùi đã "bốc cháy".
Từ đỉnh trung tâm, tôi đi về đỉnh phía Đông, cách nhanh nhất để tới đường ván gỗ.
Đã gần 5h chiều, một số du khách nhắc tôi rằng 7h cáp treo sẽ đóng cửa. Tôi càng phải nhanh hơn.
Càng gần hơn tới đỉnh phía Đông, mọi thứ bị mây trắng bao phủ. Có lẽ, đó là lý do người Trung Quốc coi đây là thánh địa.
Lại có một lối tắt "lên trời" xuất hiện. Nó đặc biệt cao và dựng đứng, với đống đồ đạc sau lưng, tôi lo sợ mình sẽ tuột tay. Sợ đến vã mồ hôi.
Dọc theo lối lên đỉnh Đông là hàng rào treo kín những ổ khóa mạ vàng và ruy băng đỏ. Du khách và người dân bản địa tin rằng làm như vậy sẽ đem lại sức khỏe và bình an.
Đến đỉnh Đông, tôi gặp 2 developer đến từ Bắc Kinh. Họ tự leo bộ từ sáng sớm. Giờ đã là 5h30, nếu không nhanh chân tôi sẽ lỡ cáp treo và phải nghỉ lại qua đêm.
Hai anh bạn Trung Quốc kia nói rằng nếu tôi bất chấp đến lối đi ván gỗ, kiểu gì cũng muộn cáp treo. Họ gợi ý tôi đến một địa điểm khác "nguy hiểm không kém" và chỉ mất 15 phút đi bộ.
Nghe kể không sợ nhưng đến mới sợ, bạn chỉ có dây nịt đeo vào người để đi giữa vách núi cheo leo.
Anh hướng dẫn miêu tả chi tiết cách dùng đồ bảo hộ, tới những điểm tiếp giáp, bạn phải tháo từng chốt ra một, nếu tháo cả hai một lúc thì chắc chắn nói lời từ biệt với thế giới.
Nhìn lên, nhìn xuống chỉ trắng xóa toàn mây là mây.
Nếu không có đồ bảo hộ, tôi không nhớ nổi mình đã ngã những cú cao 6m bao nhiêu lần nữa. Việc chụp ảnh cũng rất nguy hiểm và không được khuyến khích...
Điểm địa thú vị nhất đỉnh Đông là bàn cờ xa xa kia. Người Trung Quốc nói rằng đây là bàn cờ cao nhất thế giới. Tôi đã tưởng tượng ra cảnh 2 vị hòa thương ngồi đó chơi cờ vào lúc bình minh.
Thăm thú một cách vội vàng, tôi trở về bến cáp treo vào lúc 6h45, gần như là người cuối cùng ra về. Tại đó, tôi gặp 2 anh lính cứu hỏa đến từ Georgia, họ tự cuốc bộ từ sáng sớm và đã kịp tới đường ván gỗ. Hy vọng, tôi sẽ có cơ hội trải nghiệm con đường đó trong chuyến đi sau.
Theo GenK