“Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”
Di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tọa lạc tại tỉnh Hà Giang, địa danh nổi tiếng với thiên nhiên cùng những cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Ở Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang tập trung chủ yếu ở 5 xã, nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang và cách trung tâm thành phố khoảng trên 100km. Nhờ vẻ đẹp, sự độc đáo hiếm nơi nào có được và thể hiện sự thông minh, khéo léo của con người để chinh phục thiên nhiên, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã vinh dự được cấp bằng Di tích quốc gia bởi Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch vào năm 2012.
Tuần Văn hóa du lịch năm nay được tổ chức xuyên suốt từ ngày 1/9-15/10 trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, huyện Xín Mần, trong đó Lễ khai mạc với chủ đề “Khám phá Mùa vàng kỳ vỹ giữa rừng xanh” sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 20/9 tại sân vận động huyện Hoàng Su Phì.
Được tổ chức lần đầu tiên năm 2012, đến nay, Tuần Văn hóa Du lịch “Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” đã trở thành sự kiện thường niên.
Đây là hoạt động văn hóa, du lịch nhằm tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá và tôn vinh giá trị di sản đặc sắc ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, cảnh quan thiên nhiên cũng như các sản phẩm du lịch của tỉnh Hà Giang. Qua đó, thu hút nhà đầu tư, du khách đến với Hà Giang để trải nghiệm và khám phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ và độc đáo
Toàn bộ di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có khoảng 3000 hecta ruộng bậc thang trải rộng trên địa bàn 24 xã, trong đó ruộng bậc thang ở 11 xã được xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia vào năm 2012 và năm 2016, gồm Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín và Nậm Khòa. Đặc biệt, Bản Phùng được đánh giá là nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất.
Ruộng bậc thang là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bà con các dân tộc thiểu số nơi đây nương theo tự nhiên, cải tạo và ứng phó với điều kiện khắc nghiệt như địa hình không bằng phẳng, độ dốc cao, thường xuyên thiếu nước gây khó khăn cho việc canh tác để tạo nên những thửa ruộng bậc thang như một bức tranh kỳ vĩ, vẻ đẹp hoang sơ của núi đồi vùng cao.
Từ xa xưa, đồng bào của 12 dân tộc thiểu số phía Bắc đã lên đây sinh sống, học cách thích nghi với địa hình, kết hợp với cách canh tác của miền xuôi đã tạo ra những kiệt tác vừa thu hút khách du lịch, vừa có giá trị về nông nghiệp. Hình ảnh đã gắn liền với nơi đây là những cánh đồng trải đều uốn lượn mượt mà quanh các ngọn đồi và sắp xếp từ trên xuống dưới thấp dần theo kiểu bậc thang.
Sự hòa quyện của thiên nhiên cùng sự khéo léo của con người đã tạo nên một Hoàng Su Phì được ví như một kiệt tác nghệ thuật đặc biệt, một bức tranh thổ cẩm khổng lồ, quyến rũ say đắm lòng người. Với địa hình dốc, việc tạo nên những thửa ruộng bậc thang không chỉ là sự kỳ công về mặt kỹ thuật mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo và gắn bó với thiên nhiên của người dân nơi đây.
Yên Minh