Có thể nhận thấy sự tương đồng giữa người Nhật và người Việt trong những phong tục, thói quen ngày Tết cụ thể, hay ngay cả trong suy nghĩ, quan niệm về Tết.

Với người dân đất nước Mặt trời mọc, Tết là dịp lễ lớn nhất, quan trọng nhất và cũng là dài nhất trong năm. Năm nay, người Nhật sẽ được nghỉ Tết trong 10 ngày, từ ngày 27/12/2013 đến hết ngày 5/1/2014.

Trước đây, Nhật Bản cũng ăn Tết theo lịch Mặt Trăng (Âm Lịch) như các nước châu Á khác. Vào năm 1873, tức 5 năm sau khi tiến hành công cuộc Duy Tân, họ chính thức chuyển sang ăn Tết theo lịch Mặt Trời (Dương lịch). Kể từ đó, ngày 1, 2 và 3 tháng 1 Dương lịch được coi là 3 ngày Tết truyền thống của Nhật Bản.

Người Nhật gọi Tết là "Oshogatsu", là dịp để chào đón Thần Năm Mới Toshigamisam - vị thần mang lại may mắn, sức khỏe và thịnh vượng.

Cây Nêu và Kadomatsu

{keywords}

Dù cuộc sống có bận rộn, thì đến Tết người Nhật vẫn trang trọng đặt 2 bó cây trước cửa nhà, gọi là Kadomatsu để đón Thần Năm mới, trừ tà ma. Ảnh tư liệu

Trước Tết, dù bận rộn đến mấy, người Nhật cũng dành thời gian để tự tay lau rửa nhà cửa thật sạch sẽ. Họ quan niệm làm như vậy sẽ giúp gột bỏ những gì không may mắn của năm cũ, đón chào năm mới với tinh thần và thể chất tươi mới, sạch sẽ nhất. Đường phố, các khu vực công cộng như nhà ga, quảng trường vốn hàng ngày đã rất sạch sẽ, nay như càng gọn gàng, ngăn nắp hơn.

Nếu như người Việt xưa có phong tục trồng cây Nêu ngày Tết, thì người Nhật cũng thường đặt 2 bó cây trước hai bên cửa nhà, gọi là Kadomatsu, để trừ tà ma, đón may mắn.

Kadomatsu gồm 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông. Ba ống tre tươi vát chéo được xếp từ cao xuống thấp, tượng trưng cho chiếc thang để đón Thần Toshigamisam xuống hạ giới. Số cành thông phải là số lẻ, bởi theo quan niệm xa xưa thì hạnh phúc không thể chia đều và sẽ mãi mãi được duy trì, chỉ có nỗi bất hạnh mới chia được để chấm dứt. Còn dùng cành thông là vì, trong mùa đông, lá của loài cây này vẫn xanh tươi, sắc, nhọn, tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống, có thể diệt trừ ma quỷ.

{keywords}

Tượng nữ thần tự do - món quà của Chính phủ Pháp tặng năm 1999 được chiếu sáng nổi bật bên bờ vịnh Tokyo

Trong nhà, dưới vòm cửa hay trên bàn thờ, người ta treo Shimekazari - một loại bùa chú - có ý nghĩa ngăn không cho ma quỷ vào nhà.

Kadomatsu và Shimekazari được trang trí cho đến hết ngày mùng 7/1 và sau đó, theo tục lệ, người ta sẽ mang đến chùa hoặc tự đốt trước cửa nhà như hình thức hóa vàng của người Việt.

Người Nhật thường không bày bàn thờ trong nhà, mà thường thờ cúng tổ tiên tại chùa hoặc đền. Bàn thờ tại nhà chỉ bày trong dịp Tết. Trên bàn thờ ngày Tết, không thể thiếu những sản phẩm truyền thống đặc trưng là bánh gạo Mochi, quả hồng, hạt dẻ, hạt thông, đậu đen, cá trích, mực và cam.

Thời gian cho sum họp và lễ chùa

Mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nước Âu, Mỹ, nhưng người Nhật vẫn không có thói quen đi chơi đêm Giáng sinh, và cũng không tổ chức đón Giáng sinh một cách ồn ào. Chỉ số ít thanh niên đi ra đường, đến các điểm có trang hoàng ánh sáng để chụp ảnh và hoàn toàn không có cảnh chen lấn, tắc đường.

Nhưng không khí chuẩn bị Tết ngay sau đó thì thực sự khác biệt. Dù ở đâu, làm gì, người Nhật vẫn luôn tìm cách về sum họp, dành tối đa thời gian bên gia đình.

Đêm giao thừa là thời điểm người Nhật cùng nhau ăn bữa cơm "tất niên", bữa ăn đông đủ, được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong năm. Các thành viên trong gia đình cùng trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm của năm cũ, chia sẻ những dự định, kế hoạch của năm mới. Cũng giống như người Việt, câu chuyện cuối năm thường mang tính tổng kết, tránh nhắc lại những điều xui xẻo.

{keywords}

Ga trung tâm Tokyo rực sáng trong chiều cuối năm. Lúc này, phần lớn người Nhật Bản đang quây quần bên bữa cơm tất niên

Món ăn không thể thiếu trên bàn ăn trong đêm giao thừa là Toshikoshi Soba - loại sợi mì dài và dai làm từ kiều mạch, gạo. Đây là phong tục truyền thống dựa trên liên tưởng về việc ăn những sợi mỳ dài có ý nghĩa "chuyển giao từ năm cũ sang năm mới". Cũng có quan niệm cho rằng sợi mỳ dài này tượng trưng cho tuổi thọ và may mắn kéo dài trong năm mới.

Kết thúc bữa cơm tất niên, nhiều người sẽ đến các đền, chùa gần nhà để đón giao thừa. Tại chùa, họ sẽ tung những đồng xu vào các hòm công đức lớn đặt ngay cửa tạo ra tiếng kêu leng keng rất vui tai.

Đúng thời khắc chuyển giao sang năm mới, chuông tại tất cả các đền, chùa trên toàn nước Nhật sẽ đồng loạt điểm 108 tiếng. Theo quan niệm xưa, tiếng chuông vang lên 108 lần để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở. Có thể nói, đây là một nét văn hóa rất riêng có của Nhật Bản khi tiếng chuông ngân nga đồng thời trên cả nước, gửi đi thông điệp và lời cầu nguyện của tất cả mọi người cho một năm mới hạnh phúc, bình an.

Lễ chùa xong, người Nhật cũng thường rút quẻ (Omikuji). May mắn rút được quẻ lành, họ sẽ mang về nhà, còn nếu rút phải quẻ hung thì sẽ buộc lên cành cây ngay tại chùa để tránh điều không may mắn.

{keywords}

Hàng ngàn lượt người đến viếng đền Meiji trong ngày 1 Tết năm 2010. Ảnh tư liệu

Khai bút và những hành động đầu tiên

Giống như người Việt, người Nhật cũng rất chú trọng những hành động, lời nói đầu tiên sau thời điểm giao thừa, bởi họ quan niệm đó là những hành động mang tính biểu tượng, có thể mang lại may mắn  hoặc xui xẻo cho cả năm.

Sáng mồng 1 Tết, nhiều người sẽ dậy thật sớm để có thể đón được ánh mặt trời đầu tiên với tâm niệm sẽ gặp may mắn trong cả năm. Truyền hình cũng liên tục cập nhật hình ảnh mặt trời mọc tại khắp các địa điểm trên đất nước để người dân theo dõi.

Nếu gặp bất cứ người Nhật nào trong ngày Tết, bạn sẽ thấy họ luôn mỉm cười thật tươi, cúi chào nhau thật thấp. Nụ cười và sự thân thiện, vồn vã trong ngày mồng 1 Tết mang thông điệp của sự tươi mới, vui vẻ cho cả năm.

Nhiều người, đặc biệt những người làm công việc liên quan đến giấy bút sẽ dành thời gian sáng sớm ngày mồng 1 Tết để khai bút. Thông thường, họ sẽ viết những lời chúc dành cho mình, cho người thân, hoặc sáng tác một bài thơ. Nét bút đầu tiên của cả năm này sẽ được lưu giữ cẩn thận.

{keywords}

Những cánh diều với họa tiết truyền thống giờ đây được trưng bày trong nhà để mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ nhớ về phong tục Tết truyền thống

Tiếng Nhật có hẳn những từ riêng để gọi những hành động đầu tiên này. Chẳng hạn, kakizome có nghĩa là nét bút đầu tiên, hay tục khai bút; hatsuyume- giấc mơ đầu tiên; hatsumoude- chuyến đi lễ đền, chùa đầu tiên; hakizome- lần quét nhà đầu tiên; hatsuburo - lần tắm đầu tiên...

Vào sáng mồng 1 Tết, các gia đình Nhật Bản đều làm lễ cúng Thần Năm Mới (Oshogatsu) để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mọi thành viên trong gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc. Sau nghi thức cúng, họ cùng nhau uống rượu, ăn bánh osechi (loại bánh truyền thống dành riêng cho ngày Tết) cùng canh bánh dày Ozoni. Đây là món canh sử dụng tất cả các nguyên liệu được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên trong đêm giao thừa. Người Nhật cho rằng, ăn những thứ các vị thần hay tổ tiên đã ăn sẽ giúp họ mạnh khỏe hơn.

Sau Giao thừa, trẻ em sẽ được bố mẹ, ông bà mừng tuổi. Tiền mừng tuổi thường được để trong các bao màu đỏ, được trang trí hình con giáp của năm một cách ngộ nghĩnh. Người lớn trong gia đình thường tặng nhau những món quà năm mới do tự tay mình chuẩn bị.

Trong 3 ngày Tết, người Nhật cũng sẽ đến thăm nhà, tặng quà nhau để chúc mừng năm mới, việc họ hiếm khi thực hiện trong cả năm.

Sau Tết, người Nhật còn có Tết 7 loài hoa vào ngày 7/1, tục làm vỡ bánh dày vào ngày 11/11 và lễ thành nhân ngày 15/1 cho các thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi.

Thông thường, phải sau ngày 15/1, không khí Tết mới thực sự qua đi, và nhịp sống mới thực sự trở lại sôi động vốn có.

  • Bài và ảnh Chi Dứa (Từ Tokyo)