Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích vượt trội và là tác nhân góp phần quan trọng vào phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam, điều này được thể hiện qua các vai trò sau đây:

Chuyển đổi số giúp khu vực nông thôn giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nông nghiệp là ngành phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Lâm Đồng cũng là vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu với sự gia tăng nhiệt độ và thời tiết cực đoan đã và đang tác động trực tiếp đến tất cả lĩnh vực ngành nông nghiệp, như: giảm diện tích đất, giảm lưu lượng nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch bệnh; giảm đa dạng sinh học … Hệ quả tất yếu là làm giảm năng suất, chất lượng, thậm chí thất thu trong nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào quản lý rủi ro sẽ giúp cảnh báo sớm (72 giờ trước khi cơn bão đi qua)(1), từ đó, các cấp, ngành, người nông dân sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế được rủi ro do biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch …), nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, nhờ đó, tăng thu nhập cho nông dân(2). Hơn nữa, việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số này theo thời gian thực và yên tâm về chất lượng nông sản. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất, tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhờ đó sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp cho việc quản lý, điều hành ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng hiệu quả hơn.

Vì vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” mà mục đích cuối cùng là nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Trên tinh thần đó, Lâm Đồng đã xác định, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Bởi vậy, toàn tỉnh cần thống nhất những giải pháp phối hợp triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột phát triển ở nông thôn gồm chính quyền số, các chủ thể kinh tế số và xã hội số cho cộng đồng dân cư.

Ảnh minh họa

Cụ thể, phát triển chính quyền số cấp huyện, xã trong tỉnh với các hoạt động đồng bộ trong quản lý, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số thông tin truyền thông, đào tạo và tập huấn đảm bảo nội dung thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, ứng dụng nền tảng quản lý trực tuyến để lập kế hoạch, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM; hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; giám sát chất lượng môi trường, quản lý các nguồn chất thải, chất ô nhiễm và cấp nước sạch nông thôn; hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, internet băng rộng; mạng wifi miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn... Đặc biệt, tăng cường chuyển đổi số trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng NTM trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, môi trường; gắn với cải cách hành chính, cung cấp và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM.

Để thúc đẩy kinh tế số trong phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng còn xác định các nhiệm vụ tích hợp thông tin quản lý dân cư, đất đai trên nền GIS, xây dựng bản đồ số quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, qua đó cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ, kết nối và liên thông, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chuyên trách cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nhiệm vụ tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng là hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng, dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên internet...

Theo đó, mô hình xã NTM thông minh với những giải pháp chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột nói trên gắn liền với từng mục tiêu cần đạt và vượt đến năm 2025. Thứ nhất, chính quyền số ở xã NTM thông minh giải quyết 100% hồ sơ thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đạt tỷ lệ tối thiểu 80% và phấn đấu 90% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp và xử lý trực tuyến, người dân chỉ nhập dữ liệu một lần; đảm bảo điều kiện 100% cuộc họp, hội nghị 3 cấp tỉnh, huyện, xã áp dụng hình thức trực tuyến.

Thứ hai, phát triển kinh tế số quảng bá hình ảnh điểm du lịch, nét văn hóa đặc trưng của xã được thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp đều cho phép thanh toán điện tử, các sản phẩm, hàng hóa OCOP được đăng ký, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn và các sàn thương mại điện tử uy tín khác ở trong và ngoài nước.

Thứ ba, phát triển xã hội số có kênh tương tác 2 chiều ứng dụng eGov-Connect, trang thông tin điện tử, thư điện tử, facebook, zalo... để người dân tham gia cùng cơ quan Nhà nước giải quyết vấn đề của địa phương; 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích trên địa bàn được thông báo, gắn biển số đến từng địa chỉ; người dân đều có tài khoản định danh, sổ khám, chữa bệnh điện tử; 80% hộ gia đình có thiết bị máy tính, điện thoại thông minh kết nối internet; khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng... lắp đặt hệ thống mạng wifi internet miễn phí, hệ thống camera giám sát tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh Lâm Đồng.

Với sự vào cuộc quyết liệt nhằm thực hiện 3 trụ cột phát triển ở nông thôn gồm chính quyền số, các chủ thể kinh tế số và xã hội số cho cộng đồng dân cư, Lâm Đồng sẽ sớm trở thành lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới thông minh, bền vững.

Yến Hưng