- Bình luận chuyến công du Trung Quốc của Đô đốc Mike Mullen - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc khẳng định, để cải thiện quan hệ song phương, trước hết Mỹ cần tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Tờ báo viết, Đô đốc Mike Mullen gần đây tới thăm Trung Quốc nhằm “đáp lễ” chuyến công du Mỹ của Tướng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức hồi tháng 5. Quan hệ Trung - Mỹ gần đây đang ấm dần nhờ nỗ lực của cả hai bên. Tờ báo trích phát biểu của ông Mullen tại Đại học Nhân dân: "Trung Quốc ngày nay là một quốc gia khác biệt so với 10 năm trước, và thực sự tiếp tục thay đổi trong 10 năm tới. Họ không còn là cường quốc đang trỗi dậy mà thực tế đã là một cường quốc thế giới”.

Bài bình luận cho rằng, vấn đề rõ ràng khi nhắc tới “cường quốc thế giới” là nhằm đề cập tới “những trách nhiệm của Trung Quốc”.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức trong lễ đón người đồng cấp Mỹ Mike Mullen tại Bắc Kinh. Ảnh: THX
Theo tờ báo, quan hệ quân sự hai bên đã tụt hậu so với quan hệ Trung - Mỹ nói chung. Lý do cơ bản là các động thái quân sự thường liên quan tới những lợi ích cốt lõi của cả hai bên, ảnh hưởng lớn tới tâm lý người dân hai nước. Rằng, Mỹ cần hiểu, các trở ngại trong quan hệ quân sự song phương gần đây không phải sự thiếu minh bạch của quân đội Trung Quốc. Gốc rễ là tâm lý ngăn chặn mà từ lâu Mỹ theo đuổi và đôi khi đe dọa lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Bài báo cáo buộc các động thái của Mỹ gần đây về vấn đề Biển Đông đã làm phức tạp thêm tình hình với lập luận: Khi tranh chấp Biển Đông leo thang, Mỹ, với sự hiện diện quân sự mạnh mẽ nhất trong khu vực, đã cố giương oai thay vì đóng vai trò làm dịu căng thẳng.

Báo này khẳng định, vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan là phép thử thực sự về việc Mỹ có “hợp thời” trong mối quan hệ với Trung Quốc hay không. “Trừ khi vấn đề được giải quyết toàn diện, nếu không, hai nước không thể phát triển quan hệ quân sự ổn định và sẽ ảnh hưởng tới sự hợp tác trong các lĩnh vực khác. Nếu Mỹ thực sự tôn trọng Trung Quốc, thì đầu tiên cần thể hiện sự tôn trọng với các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

Lợi ích cốt lõi và Biển Đông

Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đã có nhiều năm tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ với Biển Đông. Tháng 7 năm ngoái, khi căng thẳng giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này gia tăng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã "liên kết" với những quốc gia Đông Nam Á để đưa ra tuyên bố phản đối Trung Quốc. Tại hội nghị an ninh khu vực ở Hà Nội, bà thẳng thừng tuyên bố Mỹ có "lợi ích quốc gia" tại Biển Đông và Trung Quốc cũng như các nước khác nên tôn trọng thỏa thuận năm 2002 đảm bảo việc giải quyết tranh chấp chủ quyền "bằng các biện pháp hòa bình".

Theo giới phân tích, khi ấy, quan chức Trung Quốc thực sự bất ngờ khi Mỹ dính líu tới vấn đề Biển Đông. Một cuộc tranh luận công khai đã nổ ra tại Trung Quốc về chủ điểm này: Liệu Trung Quốc có nên chính thức "nâng cấp" Biển Đông thành "lợi ích cốt lõi", sánh ngang với các vấn đề chủ quyền khác của họ như Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương để có thể biện minh cho sự can thiệp quân sự?

Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đã đưa ra bài bình luận đầy giận dữ, coi Biển Đông như một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tờ báo viết: "Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền của mình để bảo vệ lợi ích cốt lõi với các biện pháp quân sự".

Trang web của Nhân Dân Nhật báo đưa ra kết quả cuộc thăm dò người đọc rằng, bây giờ có phải là lúc dán mác "lợi ích cốt lõi" với Biển Đông. Theo đó, 97% trong gần 4.300 người được hỏi nói "có".

Một số quan chức Trung Quốc từng "thả nổi" ý tưởng này vào đầu năm 2010 trong các cuộc trao đổi kín với những người đồng nhiệm Mỹ. Năm ngoái, vài quan chức Mỹ đã nói với báo giới ở Bắc Kinh và Washington, một hoặc nhiều quan chức Trung Quốc đã gắn mác để Biển Đông là một "lợi ích cốt lõi". Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố hay tranh luận, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra một chính sách rõ ràng để tuyên bố Biển Đông như vậy, và họ cũng không phủ nhận nó.

Bộ Ngoại giao và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc không trả lời câu hỏi về vấn đề này, cho dù nhiều lần được yêu cầu.

Michael Swaine, nhà phân tích của Tổ chức Carnegie Endowment, đã có bài nghiên cứu nhìn nhận về việc Trung Quốc gia tăng sử dụng cụm từ "lợi ích cốt lõi". Sau khi khảo sát các nguồn in ấn Trung Quốc, ông Swaine kết luận rằng, Trung Quốc không chính thức coi Biển Đông như một "lợi ích cốt lõi".

Tuy nhiên, những điều kể trên không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã kiềm chế trong tuyên bố chủ quyền. Liên tiếp trong các cuộc họp báo kể từ đầu năm tới nay, trả lời các câu hỏi về tình hình Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư đều nói: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với Biển Đông".

Khiêu khích khác thường

Trước báo chí sau cuộc gặp với Đô đốc Mullen, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức đã dùng những lời lẽ mang tính khiêu khích khác thường từ trước tới nay với một quan chức nước ngoài viếng thăm.

Ông thúc giục Mỹ “khiêm tốn và thận trọng hơn trong lời nói và hành động” giữa lúc căng thẳng gia tăng xung quanh tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông - vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên. Tại Bắc Kinh, ông Trần nói: "Trong nhiều dịp khác nhau, phía Mỹ đã thể hiện rằng họ không có ý định can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông, nhưng thực sự lại gửi tín hiệu ngược lại. Chúng tôi đang thấy các cuộc tập trận giữa Mỹ và những quốc gia khác. Chúng tôi thừa nhận, có những cuộc tập trận như thế ở đây trong quá khứ, tuy nhiên, tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại thời điểm này rất không thích hợp".

Ông còn cáo buộc Mỹ chi tiêu quá nhiều vào quân sự. "Sẽ là tốt hơn nếu Mỹ không dành quá nhiều tiền vào quân sự, trong khi lại ít hơn ở những lĩnh vực khác nhằm đóng góp một vai trò xây dựng trong hòa bình và ổn định”, tướng Trung Quốc nói. "Tôi biết Mỹ đang phục hồi trong khủng hoảng tài chính, vẫn còn có những khó khăn trong kinh tế… và phải chăng họ đặt quá nhiều áp lực lên người đóng thuế?”.

Trước căng thẳng Biển Đông khi cả Việt Nam và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc hành xử gây hấn ở những vùng biển thuộc chủ quyền của hai nước, Bắc Kinh vẫn khẳng định muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình nhưng không quên đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, kể cả những vùng thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Về phần mình, Đô đốc Mullen bày tỏ, Washington quan ngại về tình hình tự do hàng hải, nhưng cũng hy vọng rằng, các tranh chấp “sẽ được giải quyết hòa bình”. Ông nhấn mạnh, Mỹ không tìm kiếm việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng khẳng định, Mỹ vẫn tích cực hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian dài.

Thụy Phương


Quân đội TQ mở cánh cửa bí mật đón Đô đốc Mỹ
Quân đội nổi tiếng giữ bí mật của Trung Quốc đã mở những cánh cửa của mình chào đón Đô đốc Mike Mullen – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - tới thăm.
 
Tướng TQ dùng lời khiêu khích khác thường với Đô đốc Mỹ
Sau cuộc gặp với đô đốc Mỹ, một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc cho rằng, thời điểm của các cuộc tập trận hải quân Mỹ ở Biển Đông lúc này là “không thích hợp”.
 
Những điều đe dọa Trung Quốc
Tuần báo Courrier International của Pháp số ra cuối tháng 6 đã dành 7 trang cho loạt bài mổ xẻ những vấn đề xã hội của Trung Quốc.