Bí thư tỉnh ủy bị khai trừ ra khỏi Đảng vốn là sự kiện ít khi xảy ra trong đời sống chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hình thức kỷ luật Đảng ở mức cao nhất này đã được thực hiện nhiều hơn.

Gần đây nhất, các ông Trần Đức Quận (Bí thư tỉnh Lâm Đồng), Phạm Xuân Thăng (Bí thư tỉnh Hải Dương) đã bị khai trừ, tức là tước bỏ tư cách thành viên của ĐCS Việt Nam.

Bí thư tỉnh ủy là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Đảng, vị trí cao nhất trong ban lãnh đạo ở địa phương. Để trở thành bí thư tỉnh ủy, chắc chắn mỗi cá nhân đã có thời gian rèn luyện, cống hiến, phấn đấu lâu dài, và có những đóng góp nhất định cho địa phương, hoặc bộ, ngành. Vì thế, mọi quyết định xử lý kỷ luật đến mức cao nhất đối với cá nhân bí thư tỉnh ủy có thể gây ra ít nhiều hệ lụy, nhưng cũng có nghĩa, khi quyết định “khai trừ ra khỏi Đảng” đã được cân nhắc, xem xét thấu đáo.

trunguong 8.jpg
 Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8

Bị áp dụng hình thức kỷ luật ở mức “khai trừ ra khỏi Đảng” trước hết phản ánh tính chất, mức độ, và hậu quả của những vi phạm. Đó có thể là những vi phạm khi cá nhân còn đảm nhiệm vai trò quản lý trong hệ thống các cơ quan chính quyền. Khi đảm nhiệm vị trí bí thư địa phương, vi phạm thường xảy ra gián tiếp và trừu tượng hơn, liên quan đến những chỉ đạo trong vai trò lãnh đạo. Cũng vì thế, mỗi khi bí thư tỉnh ủy để xảy ra những vi phạm đến mức phải khai trừ Đảng thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Quyết định “khai trừ ra khỏi Đảng” thể hiện quan điểm dứt khoát không chấp nhận tư cách thành viên tổ chức Đảng đối với những người đã từng là đồng chí, đồng nghiệp, chưa kể họ đã từng có thời gian dài cống hiến, được ghi nhận để có thể trở thành bí thư tỉnh ủy. Vì thế, bất cứ bí thư tỉnh ủy nào bị kỷ luật ở mức cao nhất như vậy cũng đều trở thành một sự kiện có tác động tiêu cực không chỉ với bản thân họ, mà cả gia đình và tổ chức Đảng. 

Cụ thể thì gia đình, dòng họ, thậm chí quê hương của bí thư tỉnh ủy bị khai trừ Đảng sẽ không thể tự hào trọn vẹn về một người đã từng phấn đấu và đạt được những thành công nhất định. Lịch sử tổ chức Đảng địa phương cũng bị tì vết bởi đã từng có cán bộ lãnh đạo cao nhất bị khai trừ ra khỏi Đảng. 

Những vấn đề đặt ra

Ở nước ta hiện nay, bí thư tỉnh ủy là người đứng đầu ban lãnh đạo địa phương, hoạt động theo nguyên tắc: “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Điều này có nghĩa, chủ thể lãnh đạo ở mọi cấp độ trong hệ thống chính trị ở nước ta là một tập hợp gồm nhiều người. Các quyết định lãnh đạo thể hiện ý chí tập thể, được thông qua dựa trên nguyên tắc đa số tuyệt đối (trên 50% phiếu tán thành).

Về lý thuyết, ưu điểm của mô hình lãnh đạo tập thể nêu trên là không chỉ có thể phát huy trí tuệ của các thành viên ban lãnh đạo, mà sâu sa hơn, còn có thể phòng ngừa sự chuyên quyền, độc đoán của cá nhân, nhóm. Cũng có nghĩa, nếu cơ chế “tập thể lãnh đạo” được thực hiện nghiêm túc thì sẽ rất khó để cá nhân bí thư có thể áp đặt, dẫn đến những vi phạm với nhiều mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, thực tế các trường hợp bí thư tỉnh ủy có vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải khai trừ ra khỏi Đảng cho thấy những vấn đề cần phải quan tâm. Đáng chú ý nhất là nguy cơ đoàn kết xuôi chiều kể cả trước những quyết định sai trái, cá nhân đứng đầu có thể lợi dụng tập thể để áp đặt ý chí của mình thành quyết định của tập thể. Nguy cơ này đã phần nào được chứng minh là có thật khi có những bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật cùng với nhiều thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo cùng thời kỳ.

Bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật với hình thức cao nhất cũng gợi ra những bất cập của phương pháp lựa chọn thành viên ban lãnh đạo. Tức là, làm thế nào để có được những ban lãnh đạo gồm những cá nhân tiêu biểu, năng lực ưu trội, uy tín cao, không chỉ có ý thức chấp hành nguyên tắc và kỷ luật của tổ chức mà còn có bản lĩnh, dám can ngăn hoặc báo cáo cơ quan Đảng cấp trên mỗi khi người đứng đầu có biểu hiện vi phạm, áp đặt tập thể ban lãnh đạo.

Vấn đề nữa nảy sinh từ các trường hợp bí thư tỉnh ủy bị khai trừ ra khỏi Đảng là những nguy cơ từ việc vận dụng lỏng lẻo nguyên tắc “đa số tuyệt đối”. Theo nguyên tắc tập trung dân chủ, để được thông qua thì các quyết định lãnh đạo phải đạt trên 50% số phiếu thuận. Như vậy, các biểu hiện vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng của bí thư cho thấy nguyên tắc đa số tuyệt đối nêu trên chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn các quyết định sai trái. 

Để lại những dư vị tiếc nuối

Là hạt nhân lãnh đạo chủ chốt, bí thư tỉnh ủy được kỳ vọng sẽ thực hiện vai trò dẫn dắt cả ban lãnh đạo cũng như tổ chức Đảng, và rộng ra là nhân dân địa phương trong việc thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Cũng vì thế, nhìn từ cả góc độ tổ chức và tình người thì những quyết định khai trừ bí thư tỉnh ủy (nhóm cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược) ra khỏi Đảng luôn để lại những dư vị tiếc nuối. 

Từ góc nhìn chiến lược, xây dựng được đội ngũ bí thư tỉnh ủy bao gồm những người tài năng, liêm chính, và ham cống hiến sẽ là một trong những định hướng then chốt để có thể giảm thiểu số bí thư bị kỷ luật. Đó là những nhà lãnh đạo có khát vọng làm việc để tạo ra di sản lãnh đạo, qua đó lập danh với địa phương, với đất nước, chứ không phải những người còn bị chi phối quá mạnh bởi các ham muốn vị kỷ.

Định hướng giải pháp thứ nhất để tạo nguồn ứng viên tài năng cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai là cần thiết lập các điều kiện thể chế cán bộ vận hành dựa trên nguyên tắc cạnh tranh năng lực. Hướng tiếp cận này bắt nguồn từ thực tế phần lớn bí thư địa phương đều khởi đầu sự nghiệp từ các vị trí chuyên môn tại các cơ quan trong hệ thống chính quyền hay đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tại các bộ ngành Trung ương.

Để bảo đảm phẩm chất liêm chính của ứng viên lãnh đạo thì cần gia tăng sự công khai, minh bạch, cũng như mức độ tham gia của đảng viên và người dân vào quy trình lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cấp. 

Định hướng giải pháp thứ hai là hoàn thiện hơn nữa quy trình ban hành quyết định lãnh đạo. Để giảm bớt khả năng áp đặt ý định vi phạm của bí thư thì cần bổ sung các rào cản thể chế để bảo đảm các quyết định lãnh đạo thực sự thể hiện ý chí của số đông thành viên ban lãnh đạo. Cụ thể, thay vì chỉ cần nhận được sự ủng hộ từ trên 50%, các quyết định lãnh đạo có thể cần phải đạt được sự đồng thuận của trên 75% thành viên ban lãnh đạo.

Định hướng giải pháp thứ ba là thực hiện nghiêm túc chủ trương bố trí bí thư không phải là người địa phương ở mọi địa bàn, mọi cấp độ của hệ thống chính trị. Thực tế những năm vừa qua cho thấy, bí thư là người từ nơi khác đến không chỉ giúp giảm bớt nguy cơ “bè phái, cánh hẩu”, dẫn đến những quyết định đúng quy trình nhưng lại có thể trở thành sai phạm tập thể, mà còn tạo ra nhiều tác động tích cực cho công tác lãnh đạo địa phương.