“Cậu đã đọc phát ngôn của ông Thể chưa?... Trời đất ơi!”. Sáng qua, tôi nhận được một tin nhắn như vậy từ một cựu bộ trưởng và nhiều tin nhắn khác liên quan đến phát ngôn đó. Tất cả các tin nhắn đều bày tỏ bất bình với đủ loại ngôn ngữ thuộc mọi cung bậc cảm xúc mà tôi nghĩ không nên viết ra đây.
Cần phải trích dẫn lại bối cảnh của phát ngôn. Trong phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt của Uỷ ban Tư pháp sáng 6/3, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể nói: "Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3".
Lẽ ra năng lượng nên được tập trung để giúp tháo gỡ yếu kém cơ sở hạ tầng |
Thực ra, việc cấp lại bằng lái xe là chuyện nhỏ trong ngồn ngộn những vẫn đề nóng bỏng, chưa được giải quyết của ngành giao thông như tai nạn giao thông, BOT, yếu kém về cơ sở hạ tầng,… nhưng phát ngôn về việc cấp bằng như vậy thể hiện nhiều điều liên quan đến tư duy làm luật, quản lý hệ thống dưới quyền và đẩy khó khăn về phía người dân.
“Tất cả người mất bằng lái xe phải thi lại” là không hợp lý, không hợp tình, phản khoa học, phản tiến bộ. Mất bằng lái xe không phải là mất năng lực lái xe; yêu cầu cấp lại bằng là quyền công dân và là trách nhiệm của bộ máy Nhà nước thuộc quyền Bộ trưởng. Nếu tư duy của Bộ trưởng được ứng dụng sang các ngành khác sẽ thấy, cứ ai mất Chứng minh nhân dân, bằng cử nhân, sổ đỏ, giấy kết hôn,… thì đều phải “đi thi” để xin lại à?! Một chuyện rất buồn cười.
Bên cạnh đó, hệ thống của ông dường như có vấn đề. Hệ thống đó có làm việc không, có quản lý được không mà để diễn ra tình trạng “xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3"? Hệ thống quản lý giấy phép lái xe đã thống nhất trên toàn quốc, kết nối các tỉnh với nhau, có hồ sơ lưu trữ, vì sao lại để tình trạng này diễn ra? Hay thực tế điều này không diễn ra? Tắc trách này thuộc trách nhiệm của ai?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi cơ bản về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông nhờ áp dụng dữ liệu lớn, mã QR, camera,… khiến cho tinh thần thượng tôn pháp luật của cả công chức nhà nước và người dân tăng lên đáng kể. Điều này giúp họ giảm rất nhiều rủi ro tai nạn giao thông, tạo thuận lợi cho người dân trong khi nâng cao năng lực quản lý. Chả lẽ những thông tin này khó tiếp cận đến vậy?
Năm ngoái, chuyện “thu giá” cũng từng gây bão dư luận. Sau một văn bản của Bộ trưởng, rất nhiều trạm BOT đã phải thay bảng hiệu “thu phí” thành “thu giá”; rồi sau một văn bản nữa, các bảng hiệu “thu giá” mới được dỡ bỏ, gây bao nhiêu phiền toái, chi phí cho doanh nghiệp, đàm tiếu trong nhân dân. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, dịch vụ nên giá không phải là thứ để thu được. Chuyện đơn giản như vậy mà tiêu tốn biết bao thời gian và năng lượng xã hội.
Theo Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ trưởng có “nhiệm vụ và quyền hạn” ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và đề xuất các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết. Đó là “nhiệm vụ và quyền hạn” rất lớn, tác động đến hàng triệu, hàng chục triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Nếu Bộ trưởng có tư duy pháp luật tốt, có tinh thần “kiến tạo” thì người dân và doanh nghiệp “được nhờ”, giúp thúc đẩy kinh tế đất nước.
Chiều hôm qua, tôi lại đọc tin Bộ trưởng Thể gửi văn bản hoả tốc siết cấp lại giấy phép lái xe với hàng loạt yêu cầu “hỏa tốc”. Tôi không rõ, động thái đó nhằm chấn chỉnh hệ thống của ông hay nhằm giúp thanh minh, gỡ gạc cho phát ngôn gây sốc ở Ủy ban Tư pháp. Song, ít ra, công văn đó cũng thể hiện thái độ cầu thị của ông đối với phát ngôn vừa rồi. Hi vọng, những phát ngôn đó sẽ không lặp lại để rồi lại tốn biết bao năng lượng xã hội lẽ ra cần cho việc phát triển khác thì hơn. Cần nhắc lại, yếu kém về cơ sở hạ tầng đang là một trong những nút thắt kiềm hãm đất nước này.
Tư Giang