Không phải mối lương duyên nào giữua doanh nghiệp và bóng đá cũng mang lại kết quả hạnh phúc, mà trái lại có khá nhiều trường hợp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng đi xuống kể từ khi “lỡ yêu” bóng đá.
Bóng đá được xem là lĩnh vực kinh doanh và quảng bá hình ảnh hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp. Trên thế giới thì có khá nhiều trường hợp doanh nghiệp đã sử dụng công cụ bóng đá rất thành công như tập đoàn xây dựng của Chủ tịch Real Madrid Fernando Perez làm ăn ngày càng phát đạt nhờ tận dụng lợi thế hình ảnh và quan hệ mà bóng đá mang lại.
Còn nhớ ngay sau thương vụ mua cầu thủ Colombia là James Rodrigues trị giá 80 triệu bảng vào 2014, Perez đã được Chính phủ nước này trao cho 2 hợp đồng xây dựng trị giá lên đến 1,5 tỉ Euro.
Cũng chính nhờ tài trợ tài chính cho câu lạc bộ ASEAN xây sân vận động mới mà hãng hàng không của Ả Rập Thống Nhất Emirates ngày càng được nhiều người biết đến, giúp tình hình kinh doanh của hãng ngày càng thuận lợi hơn trên phạm vi toàn cầu.
Bóng đá cũng là kênh quả bá mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam ưa thích. Có thể kể đến một loạt những doanh nghiệp đã từng đầu tư vào lĩnh vực này như Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm Long An, tập đoàn xi măng Xuân Thành (hiện đổi tên thành Thai Group), Becamex với Bình Dương, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển tài trợ cho câu lạc bộ bóng đá Hà Nội hay tập đoàn thủy sản Hùng Vương tài trợ cho câu lạc bộ An Giang.
Một số ngân hàng cũng tham gia vào lĩnh vực thể thao này như Eximbank từng tài trợ cho giải vô địch V-league, thậm chí Chủ tịch ngân hàng này là Nguyễn Hùng Dũng còn giữ chức chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Ông trùm tài chính Nguyễn Đức Kiên là chủ tịch của câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB trước đây, hay gần đây Ngân hàng Kiên Long là nhà tài trợ cho câu lạc bộ đóng đá Kiên Giang.
Mới đây, tập đoàn bất động sản FLC cũng chính thức trở thành nhà tài trợ chính cho câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa, Nutifood kết hợp với câu lạc bộ Arsenal (Anh) thành lập cơ sở đào tạo bóng đá trẻ TP.HCM. hay doanh nhân Việt Kiều nổi tiếng Henry Nguyễn rót vốn vào một câu lạc bộ bóng đá tại Mĩ. Trào lưu kết duyên giữa doanh nghiệp và bóng đá dường như vẫn còn rất sôi động.
Mặc dù vậy, không phải mối lương duyên nào giữua doanh nghiệp và bóng đá cũng mang lại kết quả hạnh phúc, mà trái lại có khá nhiều trường hợp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng đi xuống kể từ khi “lỡ yêu” bóng đá.
Điển hình là ngân hàng Eximbank của chủ tịch Lê Hùng Dũng. Kết quả kinh doanh của ngân hàng ngày càng đi xuống, thậm chí thua lỗ và nằm trong diện bắt buộc tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước. Đối mặt với sức ép từ phía các cổ đông, trong cuộc bầu cử Hội đồng quản trị nhiệm kì mới diễn ra năm ngoái, Ông Dũng đã quyết định rút lui không tái ứng cử.
Lận đận không kém là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức dù đây được xem là ví dụ điển hình về hiệu quả khá tốt của mối lương duyên doanh nghiệp - bóng đá. Mặc dù có khởi đầu khá ấn tượng nhưng các năm gần đây, kết quả kinh doanh của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tương đối giống với thành tích của đội bóng HAGL tại V-league, tức là ngày càng đi xuống. Giá cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã sụt giảm hơn nữa giá trị chỉ trong một năm qua khiến các cổ đông mất đi hàng nghìn tỉ đồng.
Điều đáng nói là vào thời điểm hiện tại, người ta thấy Bầu Đức xuất hiện trên truyền thông chủ yếu để nói về các giấc mơ lớn với lứa cầu thủ như Tuấn Anh, Công Phượng hơn là về các bước đi để vực dậy thực trạng của tập đoàn. Dĩ nhiên bất kì doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với chu kì tăng trưởng chậm lại nhưng có vẻ các cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai sẽ cảm thấy yên lòng hơn nếu người lãnh đạo dành thêm nhiều tâm huyết, nhiều thời gian hơn cho công việc chính hơn là các nhiệm vụ “phụ” khác.
Nhưng Bầu Đức vẫn còn may mắn khi so sánh với trường hợp thê thảm của Bầu Kiên. Dính với bóng đá dường như mang lại nhiều điều xui cho ông Bầu này nhiều hơn là may mắn. Không chỉ bị cuốn vào các cuộc tranh cãi dai dẳng với VFF, với trọng tài mà cuối cùng sự nghiệp kinh doanh của ông Bầu Kiên cũng kết thúc khi rơi vào vòng lao lí vào 2012, còn câu lạc bộ của ông thì bị giải thể.
Nỗi buồn của các ông Bầu kể từ ngày dính đến bóng đá còn có Bầu Thụy với câu lạc bộ Xuân Thành Sài Gòn, Dương Ngọc Minh (Thủy sản Hùng Vương) với câu lạc bộ bóng đá An Giang. Trong khi về phần mình, với kết quả kinh doanh của hai tập đoàn T&T và ngân hàng SHB chưa mấy khởi sắc, bầu Hiển trong mấy năm gần đây cũng hạn chế những khoản chi đình đám cho hai câu lạc bộ dưới trướng mình là Hà Nội T&T hay SHB Đà Nẵng.
Là một môn thể thao mang tính đại chúng cao, bóng đá vẫn là kênh quảng bá hiệu quả cho các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, giống như câu nói “dù có chiến lược marketing hoành tráng đi cỡ nào chăng nữa thì cuối cùng, điều cốt yếu làm nên thành công cho các doanh nghiệp vẫn nằm ở chỗ sản phẩm hay dịch vụ chất lượng”. Đây là điều mà một số ông chủ đã không quan tâm đúng mức, dẫn đến việc quảng bá hình ảnh bằng kênh bóng đá gây ra hiệu ứng ngược.
Trái với thế giới, người dân trong nước dường như ngày càng quay lưng với bóng đá bởi chất lượng của V-league vẫn không mấy cải thiện sau hơn chục năm thực hiện lộ trình bóng đá chuyên nghiệp. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp bởi nguồn thu từ kinh doanh quần áo, panel quảng cáo và nhất là bản quyền truyền hình bị hạn chế.
Chính vì lẽ đó mà nhiều ông Bầu ngày càng cảm thấy áp lực đối với đứa con tinh thần và thú vui bóng đá của mình, muốn dứt bỏ hẳn để chuyên tâm hơn vào công việc kinh doanh chính. Thậm chí đối với một người luôn cháy hết mình với quả bóng như Bầu Đức, ông cũng thấy mình cũng những giới hạn nhất định. “Tôi rất cảm ơn những ai muốn tôi làm Quyền chủ tịch VFF. Nhưng có lẽ thời điểm này chưa phù hợp và tôi cũng không sẵn sàng làm Quyền chủ tịch VFF. Nói thẳng thế này, Tết nguyên đán đang cận kề và tôi đang phải lo cho hàng ngàn công nhân của Tập đoàn HAGL có cái Tết ấm no, lấy thời gian đâu ra để nghĩ đến chuyện làm Quyền chủ tịch VFF nữa!”, Bầu Đức nói.
Đối với các tay mới tham gia như FLC, Nutifood thì kinh nghiệm của những người đi trước thật đáng giá. Họ phải biết rằng, chơi với bóng đá không phải là chuyện đơn giản, ít nhất cũng cần một chiến lược đầu tư lâu dài, bài bản, mang tính bền vững. Còn nhớ vào 2011, vì không chịu nổi sức ép, bầu Long của Tập đoàn Thép Hòa Phát đã quyết dứt tình với bóng đá. Đến giờ có thể thấy đây là quyết định khôn ngoan khi kết quả kinh doanh của tập đoàn này ngày một khởi sắc.
(Theo NDH)