Dư luận đang xôn xao về sáng kiến “phí chia tay” của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội), nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Viện dẫn Quốc hội Nhật Bản năm ngoái ban hành đạo luật quy định mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài thì phải đóng một phí gọi là phí chia tay là 1.000 yên/người (~9,3 USD), ông Hưng đề nghị: "Vì vậy, tôi có một suy nghĩ nên chăng Việt Nam cũng giống một số nước là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền (3-5 USD) gọi là phí chia tay." 

Lý giải cho việc "đánh thuế xuất ngoại" này, theo ông Hưng, một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất, nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế hoặc phí. 

Về việc sử dụng nguồn thu, ông Hưng giải thích "trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân khi công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn. 

Một phần để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như những việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, được chu đáo hơn, thân thiện hơn và hoàn thiện hơn, các chiến sỹ khi công dân xuất, nhập cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn với công dân". 

Đề xuất và giải thích của ông Hưng bị phản ứng rầm rầm trên nhiều tờ báo. 

{keywords}
Đề xuất 'phí chia tay' của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng là rất kỳ lạ.

Theo Luật Phí và Lệ phí, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công...

Nhà nước đã cung cấp dịch vụ công gì trong trường hợp này mà lại đi thu phí khi người dân đi du lịch?

Hơn nữa, đề xuất đánh thuế phí người dân lại là phát ra từ một vị đại biểu Quốc hội do dân bầu lên. Là đại biểu của dân, đại diện quyền lợi của cử tri mà lại  đưa ra đề xuất đánh thuế phí với người dân?

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, thì đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. Không hiểu đại biểu Hưng đại diện cho ý kiến cử tri ở đâu mà đề xuất như vậy?

Tôi thực sự ngỡ ngàng khi nghe lời giải thích của ông Hưng, rằng nếu giờ đây người dân nộp phí đi nước ngoài thì bộ phận công bộc xuất nhập cảnh sẽ “tươi cười niềm nở hơn” khi phục vụ! 

Chính đại biểu Hưng cũng cho biết, quốc gia nào không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ đánh thuế phí. Vậy thì xin hỏi, Việt Nam hiện có đang không khuyến khích công dân xuất cảnh không khi hàng năm xuất khẩu lao động là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam? 

Theo Điều 23 Hiến pháp hiện hành "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước...". Nay nếu quy định phí chia tay thì khi người dân không nộp phí sẽ không được đi (nước ngoài)? Nếu vậy thì còn gì là “quyền tự do đi”, “quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước..." nữa? 

Đại biểu Hưng đưa ra đề xuất căn cứ theo quy định của Nhật Bản. Nhưng thật đáng tiếc, có lẽ đại biểu quên mất có một nguyên tắc cần nhớ trong việc làm luật là: văn hóa sinh ra luật. Luật chính là một sản phẩm của văn hóa, cho nên văn hóa thế nào thì sinh ra luật thế ấy. Chính vì thế mà luật quốc gia ở mỗi nước đều ít nhiều có sự khác biệt nhau. Ở đây, văn hóa Nhật và văn hóa Việt quá nhiều cái khác nhau, thì làm sao ta lại đem "râu ông nọ cắm cằm bà kia" được? 

Xin nêu một vài minh họa về mối quan hệ giữa luật pháp và văn hóa. Chẳng hạn, ở nước ta hiện nay hình phạt đánh đòn roi bị cấm và bị quy là tội dùng nhục hình, thế nhưng nó hiện đang được áp dụng rộng rãi dành riêng cho đàn ông ở độ tuổi từ 16 đến 50 tại Singapore, Malaysia và Brunei - ba thành viên gần gũi của Khối Đông Nam Á. 

Vậy thì theo ý lập luận "học bên Nhật" về phí chia tay, thì nay nước ta có áp dụng hình phạt đánh roi như 3 nước kia, mà không coi đó là tội dùng nhục hình nữa được không? 

Hay ở một số nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Thái Lan,... lại quy định hình phạt tù lên đến hàng vài trăm năm, trong khi ở Việt Nam thì lại là tù chung thân hoặc tử hình. Vậy nước ta có nên dập khuôn như họ không? 

Chắc chắn là không được ! Đem hình phạt đánh roi mà đưa vào Việt Nam, hẳn là dư luận phẫn nộ. Còn quy định tù vài trăm năm, hẳn dư luận sẽ cho là ngớ ngẩn. Chính là vì có sự khác biệt về văn hóa. 

Như vậy đã cho thấy, giữa luật pháp và văn hóa ở mỗi nước phải có sự "đồng bộ" ăn khớp với nhau, cho nên chúng ta không thể "râu ông nọ cắm cằm bà kia", đem quy định của nước người cắm vào hệ thống luật pháp nước ta, hay đòi nước người ta cắm quy định của nước ta vào hệ thống pháp luật của nước họ được. 

Vì vậy, quy định "phí chia tay" của bên Nhật đem cài cắm vào hệ thống pháp luật Việt Nam thì lại thành ra vô duyên, lạc lõng và rất phản cảm.

Phạm Mạnh Hà