Đảng viên đi trước...

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, cán bộ UBND phường 8 cho biết, để có con đường hẻm 62, Lý Chính Thắng, đẹp và khang trang như hôm nay, chị và nhiều cán bộ đảng viên phải đi mòn dép hàng năm trời để thuyết phục người dân. Thành quả là 153 hộ trong hẻm hiến đất để có được con hẻm này.

Gia đình ông bà Trần Văn Hương - Phạm Thị Minh Thêm đều có tuổi đảng trên 30 năm cũng chính là đảng viên đi đầu hiến đất khi phường có chủ trương mở hẻm.

Theo bà Thêm, mở rộng hẻm là chủ trương đúng đắn, đảng viên, cựu chiến binh trong hẻm mong muốn từ lâu. Nhớ con hẻm xưa nhỏ, xe đi vào chật chột, mưa lớn là thoát nước khó khăn. Nhiều người lo lắng lỡ có hỏa hoạn thì không biết phương án cứu hỏa thế nào...     

Nhưng điều người dân trăn trở nhất, khi nơi đây là một m2 đất có giá hơn 150 triệu đồng. Hiến đất tư thành đất công cộng, một vài mét đất cũng là 1 khoản tiền lớn.    

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, cán bộ phường 8, quận 3 đang trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Tư, đảng viên đi đầu hiến đất mở đường. Phía sau là con hẻm 62 đẹp và khang trang hơn sau khi mở rộng. Ảnh: HV

Trong hẻm có 36 đảng viên tham gia chi bộ khu phố, từ khi có chủ trương thì tất cả đi đầu xin hiến đất. Ngoài ra, chi bộ thường xuyên họp để bàn cách đi thuyết phục người dân hiến đất.

“Nếu đảng viên hiến đất mà người dân còn băn khoăn thì khó mở rộng con hẻm. Giờ xong việc thì thấy vậy, chứ khi đó chi bộ họp liên miên, thuyết phục hàng năm trời, kiên trì theo kiểu mưa dầm thấm lâu để có được sự đồng thuận.

Nay thì nhìn con hẻm ai ai cũng cho rằng sự hiến đất, mở hẻm là xứng đáng. Thành quả có được hôm nay là nhờ đảng viên, cựu chiến binh đi đầu làm gương cho người dân làm theo”, bà Thêm cho hay.

Ông Nguyễn Văn Tư (90 tuổi), đảng viên trên 30 tuổi đảng lớn lên và sinh sống tại con hẻm 62 cho hay, khi chưa mở rộng, hẻm hẹp có nơi chỉ khoảng 2m, có nới rộng nhất cũng chỉ hơn 3m, chật chội, nhếch nhác, hễ mưa xuống là ngập lênh láng.

“Ngay khi chủ trương mở hẻm được phát động, tôi là người đi đầu hiến hơn 5m2 đất và cũng là người đi vận động thêm anh em đảng viên, người dân trong hẻm hiến đất làm đường.

Kiên trì vận động 4 năm, họp chi bộ thuyết phục, tận dụng các buổi cà phê, trà nước thuyết phục mọi lúc, mọi nơi để có được con hẻm rộng rãi ngày hôm nay”, ông Tư cho biết.

Nhìn con hẻm rộng có nơi 5-6m, xe hơi vào được so với trước đây chỉ chạy được xe máy, theo ông Tư và nhiều người dân là một thành quả xứng đáng.

“Hiến đất mở hẻm đến nay ai cũng biết được nhiều hơn mất, mất vài mét đất nhưng có được con hẻm khang trang, điện nước được đưa ngầm xuống, đường càng đẹp hơn. Trước đây hễ mưa là ngập, nay cảnh đó không còn, bà con ai cũng nhận ra chủ trương hiến đất, mở hẻm là đúng đắn”, lời ông Tư.

Theo thống kê của UBND quận 3, từ năm 2015 đến nay, quận đã mở rộng được 23 tuyến hẻm từ đất người dân hiến. Đến hết năm 2019, cả quận có 37 tuyến hẻm được mở rộng với số hộ là 1.292 hộ, tổng diện tích đất được hiến hơn 7.200m2, tương ứng với số tiền gần 363,437 tỉ đồng.

Nở rộ phong trào hiến đất

Phó bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang khi đến dự khánh thành hẻm 62 Lý Chính Thắng vui mừng cho biết, hẻm mở rộng không chỉ vì lợi ích của người dân, mà còn cho thấy cuộc vận động hiến đất đã được người dân đồng thuận, tin tưởng vào chính quyền.

{keywords}
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang chung vui với bà con hẻm 62 Lý Chính Thắng, Q3 trong ngày khánh thành mở rộng một con hẻm. Ảnh: TL

Theo UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, đến nay, hàng chục ngàn người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất, tương đương trên 2.200 tỷ đồng (tính giá trị đất theo đơn giá nhà nước). Điển hình như Quận 2, người dân hiến 21.100m2 (giá trị gần 122 tỷ đồng), Quận 7 trên 5.500m2 (trị giá 74 tỷ đồng), Quận 12 trên 11.000m2 (trị giá 33 tỷ đồng)…

Hưởng ứng phong trào hiến đất mở rộng hẻm, từ năm 2003-2018, người dân khu vực ngoại thành như Hóc Môn đã hiến trên 510.000m2 đất (giá trị hơn 33 tỷ đồng), huyện Củ Chi hiến gần 750.000m2 đất (giá trị 355 tỷ đồng), huyện Bình Chánh hiến 790.000m2 đất (trị giá trên 540 tỷ đồng)... Tại Quận 9, qua 15 năm vận động đã mở rộng trên 100 tuyến hẻm, đường với số tiền 180 tỷ đồng, người dân hiến gần 20.000m2 đất làm đường trị giá khoảng 350 tỷ đồng…

Đi đầu trong phong trào hiến đất mở rộng hẻm, hiến đất cho các hoạt động xã hội từ thiện có thể kể đến là Hội Cựu chiến binh TP.HCM. Điển hình như cựu chiến binh Nguyễn Văn Coi, ngụ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đã hiến 500m2 đất khi Hội phát động; ông Bùi Công Hiệp ngụ tại phường Long Trường, Quận 9 tặng mảnh đất 2.500m2 cùng căn nhà để mở trường nuôi dạy trẻ mồ côi…

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Nguyễn Văn Chương, những người lính sau khi rời quân ngũ đều giữ được truyền thống, phẩm chất tốt đẹp Bộ đội cụ Hồ luôn vì cộng đồng, xã hội.

Nhiều người không ngại đi đầu trong các hoạt động phong trào tại địa phương mà còn tuyên truyền, vận động người thân tham gia hiến đất, ngày công mở rộng đường cũng như nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác.

Nhờ sự vận động, tuyên truyền của chính quyền, tổ chức đoàn thể cũng như sự đồng tình của nhân dân, đến nay, nhiều tuyến hẻm được mở rộng khang trang, diện mạo đô thị cải thiện đáng kể.

Phong Thuận

90 năm Đảng dũng cảm vượt qua chính mình, làm nên lịch sử

90 năm Đảng dũng cảm vượt qua chính mình, làm nên lịch sử

90 năm - một chặng đường dài. Đảng Cộng sản Việt Nam, với một bức tranh lịch sử, có nhiều màu sáng chói và lẫn cả những màu đen. Từ cách Đảng nhận ra sai lầm, ta thấy ở Đảng một sự dũng cảm.