Bảng xếp hạng VNR500 vinh danh các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã trải qua 8 năm công bố liên tiếp từ năm 2007, một chặng đường đủ dài để cùng nhìn lại và đánh giá những thay đổi của cộng đồng doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Doanh nghiệp VNR500 8 năm liên tiếp - trưởng thành từ khó khăn

Trong nhóm doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, có tới gần 140 gương mặt quen thuộc xuất hiện thường xuyên trong 8 năm liền công bố BXH VNR500. Đây quả là con số ấn tượng, đặc biệt trong giai đoạn 2007-2014, khi kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường. Liên tục đạt mức doanh thu cao bất chấp tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp này thật giống như ngọn lửa ấm có sức mạnh làm "tan băng khủng hoảng" và khơi dậy niềm tin, niềm hi vọng về sự hồi phục không xa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đánh giá sự trưởng thành của nhóm doanh nghiệp lớn tại Việt Nam qua chỉ tiêu doanh thu hàng năm, có thể thấy tổng doanh thu của các doanh nghiệp VNR500 có xu hướng tăng giảm không đều phụ thuộc vào sự biến động kinh tế. Năm 2011-2012, tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp VNR500 giảm tốc mạnh, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng âm nếu tính thêm yếu tố lạm phát. Năm 2013-2014, tình hình kinh tế có phần ổn định hơn đã tác động tích cực tới hoạt động của các doanh nghiệp VNR500, giúp nhóm doanh nghiệp này duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu hợp lý ở khoảng 10-20%.

{keywords}

Hình 1: Tăng trưởng tổng doanh thu toàn BXH VNR500 qua 8 năm công bố. Nguồn: Vietnam Report

Tăng trưởng doanh thu của khối DNNN có dấu hiệu giảm dần qua các năm công bố

Nhìn từ góc độ loại hình doanh nghiệp, thì tỷ lệ doanh thu của khối doanh nghiệp Nhà nước trong tổng doanh thu toàn BXH đang giảm dần, từ 65,2% của BXH VNR500 năm 2008 còn 59,4% trong BXH VNR500 năm 2014. Trái lại, khối doanh nghiệp FDI đang có xu hướng lấn sân khi tăng tỷ lệ doanh thu của mình lên 22% trong công bố năm 2014 từ mốc dưới 20% của các năm trước đó.

{keywords}

Hình 2: Biến động cơ cấu tổng doanh thu BXH VNR500 qua 8 năm công bố phân theo loại hình doanh nghiệp. Nguồn: Vietnam Report

Xét về tốc độ tăng trưởng, khối doanh nghiệp Nhà nước đang dần giảm tốc trong vòng 3 năm trở lại đây. Điểm đáng chú ý, tăng trưởng của khối doanh nghiệp Nhà nước và Tư nhân trong nước có dấu hiệu tỷ lệ thuận với tăng trưởng toàn BXH VNR500 từ năm công bố 2010 đến nay, nguyên nhân do số đông các doanh nghiệp VNR500 thuộc 2 khối doanh nghiệp này. Khối doanh nghiệp FDI lại ít phụ thuộc vào biến động toàn BXH, một phần do số lượng doanh nghiệp FDI trong BXH VNR500 không nhiều (chỉ chiếm trung bình khoảng 15% số doanh nghiệp toàn bảng), một phần do hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này đang tốt hơn so với các khối khác. Theo tính toán của Vietnam Report theo dữ liệu BXH VNR500 năm 2014, ROA trung bình của khối doanh nghiệp FDI đạt 13%, cao hơn hẳn mức 6,2% của doanh nghiệp Nhà nước và 5,7% của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

{keywords}

Hình 3: Tăng trưởng tổng doanh thu xét theo loại hình doanh nghiệp trong BXH VNR500 qua 8 năm công bố. Nguồn: Vietnam Report

Ngành khoáng sản - xăng dầu có doanh thu cao nhất, nhưng ngành điện tăng trưởng tốt hơn

Trong 8 năm công bố BXH VNR500, ngành khoáng sản - xăng dầu luôn là ngành dẫn đầu về doanh thu nhờ sự đóng góp rất tích cực của các tổng công ty, tập đoàn xăng dầu lớn như Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty dầu Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam...

{keywords}

Hình 4: Doanh thu của các doanh nghiệp VNR500 trong 8 năm qua phân theo ngành nghề hoạt động. Nguồn: Vietnam Report

Đồng thời, trong BXH VNR500 mới được công bố gần đây nhất, ngành khoáng sản - xăng dầu cũng là ngành có lợi nhuận sau thuế cao nhất, đạt xấp xỉ 106,8 nghìn tỷ đồng. Ngành điện đứng vị trí thứ 2 xét cả về tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Ngành tài chính - ngân hàng đứng thứ 3 về doanh thu nhưng bị tụt xuống vị trí thứ 4 về lợi nhuận sau thuế trước sự vươn lên của ngành viễn thông - tin học - công nghệ thông tin.

{keywords}

Hình 5: Top 10 ngành có lợi nhuận sau thuế lớn nhất trong BXH VNR500 năm 2014 (đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: Vietnam Report

Đánh giá về tăng trưởng, ngành điện là ngành tăng trưởng tốt nhất trong 2 năm gần đây, kế đến là ngành thực phẩm - đồ uống. Sở dĩ ngành điện có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao là bởi nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam đang không ngừng tăng lên hàng năm, tuy nhiên hiện nay không có nhiều doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Theo đánh giá của WB được công bố vào tháng 11/2014, khoảng 90% tổng nguồn điện hiện có tại Việt Nam được đầu tư bởi các doanh nghiệp nhà nước.

Ngành thực phẩm - đồ uống luôn được đánh giá là ngành tiềm năng của Việt Nam. Sự gia nhập ồ ạt của các thương hiệu ngoại như Coca Cola, Pepsico, Red Bull... đòi hỏi các doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống nội địa cần có sự thay đổi từ mẫu mã tới chất lượng sản phẩm, liên tục cho ra đời các dòng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã và đang đổi mới theo hướng này: Công ty CP Sữa Việt Nam, Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn...

{keywords}

Hình 6: Tăng trưởng tổng doanh thu xét theo ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp trong BXH VNR500 qua 8 năm công bố. Nguồn: Vietnam Report

Nhìn chung, qua mỗi năm công bố, các doanh nghiệp VNR500 lại càng trưởng thành và hoàn thiện hơn. Giai đoạn kinh tế khó khăn dường như vừa đặt ra thử thách cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng mang đến cơ hội tăng trưởng ổn định hơn và thực chất hơn. Trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư hơn nữa nhờ hội nhập kinh tế toàn cầu, bởi vậy các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp lớn VNR500 nói riêng cần tận dụng tốt thời cơ và phát huy tốt nội lực để đưa thương hiệu Việt tiến xa hơn nữa trên trường quốc tế.

Ngày 27/01/2015, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

Vietnam Report