Ngày 19/12, Công an huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Tuấn (SN 1984, ở thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) về hành vi "hủy hoại tài sản", quy định tại khoản 1, điều 17, Bộ luật Hình sự.
Trước đó 1 tháng, Công an huyện Cô Tô tiếp nhận tố giác của chị Nguyễn Thị T. (SN 1984, vợ của Tuấn) về việc khoảng 14h ngày 19/11, do mâu thuẫn trong sinh hoạt vợ chồng, chị T. bị chồng bẻ, ném hỏng hoàn toàn chiếc điện thoại di động Oppo Reno 11F 5G trị giá khoảng 8 triệu đồng.
Trước đó, ngày 12/6/2024, UBND huyện Cô Tô đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lê Văn Tuấn về hành vi "cố ý làm hư hỏng tài sản" và "đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình" theo điểm a, khoản 2, điều 15 và khoản 1, điều 52, nghị định số 144/NĐ-CP, ngày 31-12-2021 của Chính phủ.
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, vụ án trên khá hi hữu khi Cơ quan công an xử lý hình sự người chồng về hành vi đập phá tài sản của vợ.
Theo luật sư, để xử lý hình sự người chồng về hành vi đập điện thoại của vợ, cần phải chứng minh chiếc điện thoại đó là tài sản riêng của người vợ hoặc người chồng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và lại tiếp tục hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản dưới 2 triệu đồng của người khác.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường phân tích, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định, vợ chồng có tài sản chung và tài sản riêng. Bộ luật dân sự cùng Luật hôn nhân và gia đình có những quy định rất cụ thể về căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản, về tài sản chung vợ chồng, về việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung vợ chồng.
Theo đó, tài sản chung là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, do lao động, sản xuất; tài sản được tặng, cho chung, thừa kế chung hoặc có thỏa thuận là tài sản chung. Còn tài sản có trước khi kết hôn; tư trang cá nhân hoặc tài sản được thỏa thuận là tài sản riêng thì sẽ là tài sản riêng của mỗi cá nhân.
Với tài sản chung vợ chồng thì cả hai bên đều có quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản, còn tài sản riêng của người nào thì người đó có quyền tự quản lý, sử dụng, định đoạt mà không phụ thuộc vào ý chí của người còn lại.
Luật sư cho hay, nếu một người tự mình định đoạt tài sản chung vợ chồng nhưng chưa quá một nửa tài sản chung vợ chồng thì hành vi đó chưa xâm phạm đến quyền lợi của người còn lại.
Trường hợp vợ chồng mâu thuẫn mà đập phá tài sản, nhưng tài sản đó là tài sản chung vợ chồng, giá trị tài sản bị đập phá chưa vượt quá một phần hai tổng số tài sản chung vợ chồng thì rất khó để xử lý hình sự về hành vi hủy hoại tài sản của người khác.
Như vậy, trường hợp chiếc điện thoại bị người chồng đập là tài sản chung vợ chồng, giá trị chiếc điện thoại này nhỏ hơn một nửa tổng giá trị tài sản của hai vợ chồng, người chồng tự ý hủy hoại chiếc điện thoại này thì cũng chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự về tội Hủy hoại tài sản.
Nhưng nếu người chồng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và lại tiếp tục hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác dưới 2 triệu đồng, lúc này lại đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với hành vi đập điện thoại.