FPT Retail vừa tổ chức gặp mặt các nhà phân tích chứng khoán cách đây vài ngày. Trong buổi gặp này, công ty cho biết vẫn sẽ tiếp tục đầu tư phát triển mạnh chuỗi nhà thuốc Long Châu. Hướng đi này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt chính trong tăng trưởng chung của FPT Retail trong tương lai.
Một nhà thuốc Long Châu với logo FPT trên bảng hiệu - Ảnh: Hải Đăng |
Trong đại hội cổ đông thường niên của công ty tổ chức hồi cuối tháng 3 năm nay, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc FPT Retail, cũng khẳng định dược phẩm chính là động lực phát triển của công ty trong vài năm tới.
FPT Retail đang vận hành chuỗi FPT Shop, hệ thống bán lẻ hàng công nghệ quy mô thứ hai tại Việt Nam về số lượng cửa hàng. Đứng trước nhu cầu về hàng công nghệ đang bão hoà, chuỗi đứng trước FPT Shop về thị phần là Thế Giới Di Động đã nhanh chân nhảy sang điện máy, và vài năm gần đây là bán lẻ hàng tiêu dùng - chuỗi Bách hoá Xanh. Bách hoá Xanh được Thế Giới Di Động khẳng định là động lực phát triển chính của công ty, được dự báo có doanh thu ngang ngửa với toàn chuỗi điện thoại, điện máy vào năm 2021.
Trao đổi với PV ICTnews cách đây 3 năm, bà Nguyễn Bạch Điệp đã dự báo tình hình kinh doanh mặt hàng công nghệ sẽ dẫn đến bão hoà, do đó đã có các bước chuẩn bị cho ngành hàng kinh doanh mới. Thời điểm đó, FPT Retail đã ngắm nghía các lĩnh vực thời trang, ăn uống, dược phẩm, tuy nhiên cuối cùng đã chọn nhảy vào dược phẩm. Bà Điệp ngay sau đó chọn cách thâu tóm lại chuỗi nhà thuốc Long Châu nhưng dưới danh nghĩa cá nhân, để lĩnh vực mới không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của FPT Retail.
FPT Retail cho biết đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ phát triển được hệ thống 470 nhà thuốc Long Châu và mảng dược phẩm sẽ đạt doanh thu 4.400 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt doanh thu 160 tỷ, hiện đã mở được 35 nhà thuốc phân bổ chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh và có 5 nhà thuốc tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Nai.
Trả lời ICTnews về mảng này, đại diện FPT Retail cho biết chuỗi nhà thuốc vẫn đang đi đúng lộ trình.
“Trong thời gian tới, tốc độ mở nhà thuốc sẽ được đẩy nhanh hơn khi chúng tôi đã có được công thức mở cửa hàng. Đồng thời, FRT cũng đã xây xong kho tổng cũng như hoàn thiện phần mềm quản lý cho hệ thống nhà thuốc Long Châu”, đại diện FPT Retail cho biết.
Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh
FPT Retail có một nửa đầu năm 2019 bận rộn, nhất là mảng thương mại điện tử. Khoảng gần giữa tháng 4, chuỗi này bất ngờ công bố hợp tác với chuỗi điện máy Nguyễn Kim để bán hàng điện máy trên trang web của FPT Shop.
Bên trong một cửa hàng điện máy Nguyễn Kim - Ảnh: Hải Đăng |
Khoảng hơn 10 ngày sau, trang web này lại xuất hiện các hàng hoá đến từ… Mỹ, Nhật. FPT Retail đã hợp tác với Fado để cho khách hàng ngồi tại Việt Nam có thể mua được hàng hoá đến từ Mỹ, Nhật, thông qua website Amazon.com.
Cách đây vài ngày, FPT Shop công bố kiếm được 10 tỷ đồng doanh thu khi bán hàng vào hai ngày Prime Day, ngày mua sắm độc quyền dành cho các thành viên Prime trên Amazon.
Với những hoạt động được đẩy mạnh này, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của mảng thương mại điện tử tăng trưởng ở mức 40,6% so với cùng kỳ, đạt 1.649 tỷ đồng, tăng mạnh nhất trong các ngành chủ lực.
“Cố gắng tối đa” để đạt kế hoạch lợi nhuận
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của FPT Retail không thực sự khả quan. Năm 2019, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng. Kết thúc tháng 6, công ty ghi nhận 158 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tức mới đạt 38% kế hoạch năm.
Trả lời ICTnews, đại diện FPT Retail cho biết quý 1/2019 vừa qua có nhiều biến động ở một số nhãn hàng như Apple, Huawei,… nên đã có ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận chung của công ty. Tuy nhiên, trên thực tế lợi nhuận của FPT Retail cũng đã tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi xác định phải cố gắng tối đa để hoàn thành kế hoạch đặt ra”, đại diện công ty cho biết.
Nửa đầu 2019, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.003 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% so với 6 tháng đầu năm 2018. Doanh thu mảng thương mại điện tử tăng trưởng ở mức 40,6% so với cùng kỳ, đạt 1.649 tỷ đồng. Doanh thu ngành hàng phụ kiện là 374 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, số lượng SIM bán ra trong nửa đầu năm nay là 460.000, tăng mạnh 91% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số cửa hàng tính đến tháng 6/2019 là 558, tăng thêm 25 cửa hàng so với đầu năm nay.
Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu là 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ đạt 418 tỷ, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm 2018.