Trong khi lực lượng hải quân và một phần không quân của Trung Quốc tập trung khẳng định yêu sách chủ quyền hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, thì lực lượng mặt đất lại ngấm ngầm gia tăng xâm nhập biên giới miền núi giáp với Ấn Độ.

Mưu toan vẽ lại ranh giới

Giới phân tích gọi chiến lược biên giới mà Bắc Kinh theo đuổi nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ cũng như hàng hải là “lát xúc xích”. Trung tâm của chiến lược ấy là một chuỗi hành động nhỏ, qua thời gian tích lũy trở thành chiến lược có lợi cho Trung Quốc. Bằng cách dựa vào “từng lát cắt” hơn là công khai gây hấn, chiến lược của Trung Quốc nhằm hạn chế tối đa những chọn lựa của quốc gia đối thủ, gây khó khăn cho đối phương để đưa ra các biện pháp phản ứng hiệu quả.

{keywords}

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: Asahi

 

Dọc theo biên giới đất liền mà rõ nhất là biên giới chạy theo dãy Himalaya với Ấn Độ, Trung Quốc thực hiện các cuộc xâm nhập lén lút với mục tiêu bắt đầu “gặm nhấm” dần đất của đối phương, tạo điều kiện thuận lợi cho “lát cắt”.

Ở Hoa Đông, Trung Quốc dàn trận với các cơ quan bán quân sự như cơ quan An toàn hàng hải, cơ quan chỉ huy thực thi luật ngư nghiệp hay Cục quản lý hải dương… trong một chiến dịch xói mòn chống lại Nhật Bản, giành thế chủ động với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Với Biển Đông, mục tiêu của Trung Quốc là dần dần nhưng chắc chắn tiến tới hợp pháp hoá sự hiện diện của họ. Một trong những cách làm ấy là tạo dựng những “sự thực” mới cho khai thác dầu khí và cá bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của những nước khác. Trung Quốc thậm chí còn lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thiết lập một chính quyền địa phương và đơn vị quân sự đồn trú để quản lý hầu như cả Biển Đông, từ đó, họ bắt đầu mở các tour du lịch tới đảo tranh chấp.

Nhật ‘liên thủ’

Chiến thuật và chiến lược của Trung Quốc đã tạo ra thách thức ngày một lớn với các nước láng giềng khi phải chọn lựa cách thức đối phó với “lát cắt”. Trước hết là Nhật với chuyện tranh chấp ở Hoa Đông. Ngoài củng cố liên minh quân sự với Mỹ, Nhật đang rộng đường tiếp cận với các quốc gia khác ở châu Á.

Mới nhậm chức được 7 tháng, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có 3 lần công du Đông Nam Á. Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, mục tiêu của ông trong những chuyến thăm này là tăng cường vị thế của Tokyo tại Đông Nam Á, theo đó hạn chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh về mọi mặt tại khu vực này.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, ông Abe tuyên bố Nhật sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần duyên, giúp Manila tăng cường khả năng phòng thủ biển đảo.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Abe tuyên bố, Nhật Bản và Đông Nam Á nhất trí về sự cần thiết phải “đảm bảo rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được cai trị bởi luật pháp, thay vì sự áp đặt và đe dọa”.

Philippines nâng cấp

Trong khi thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Australia, Philippines cũng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ. Họ đã đạt được thỏa thuận để lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự tại Philippines.

Manila còn đang theo đuổi một chương trình hiện đại hoá trị giá 1,8 tỉ USD và phục hồi kế hoạch xây dựng các căn cứ không quân, hải quân mới ở Subic - nơi chỉ cách một trong những vùng tranh chấp nhất ở Biển Đông khoảng 124 hải lý. Fernando Manalo, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines phụ trách tài chính và hiện đại hóa cho biết, việc tăng cường hiện đại hóa quân sự có thể gửi đi bức thông điệp rằng "quân đội hay chính phủ Philippines không thể bị ức hiếp nữa".

Ấn Độ dồn về biên giới

New Delhi từng bỏ mặc quốc phòng ở biên giới với Trung Quốc vì ám ảnh Pakistan. Tuy nhiên, trong 7-8 năm qua, các nhà hoạch định chiến lược và quân đội Ấn Độ đã xây dựng một kế hoạch nhằm tăng cường không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cả lực lượng quân đội để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Dự kiến trong vài năm tới, Ấn Độ sẽ tăng thêm 90.000 quân, thành lập các lữ đoàn bọc thép và trung đoàn pháo binh độc lập, và tăng cường sức mạnh không quân, hải quân nhằm đối phó với bất kì cuộc xung đột quân sự nào với Trung Quốc có thể xảy ra.

Ủy ban nội các phụ trách an ninh Ấn Độ mới đây đã thông qua việc thành lập quân đoàn tác chiến vùng núi với chi phí khoảng 11 tỉ USD trong vòng 7 năm.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã phê chuẩn đề xuất mua sắm vũ khí trị giá 40 tỷ rupi cho các lực lượng vũ trang, trong đó có kế hoạch mua tên lửa chống tăng Milan 2T, đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Hải quân, trang bị 2 radar Aerostat cho Không quân…

Chính những hành động của Trung Quốc thời gian gần đây trên biển cũng như biên giới đất liền đã khiến nhiều nước trong khu vực e ngại và buộc phải tìm cách rào giậu, đối phó. Một cuộc chạy đua vũ trang đang âm thầm diễn ra một phần xuất phát từ mối đe dọa Trung Quốc và có nguy cơ làm mất ổn định khu vực.

Thái An