- Bà giáo già bảo mấy chị đồng nát dừng tay rồi dốc túi xin mua hết số nồi đồng, mâm đồng mang về nhà. Mang về rồi, cũng chẳng biết dùng làm gì, bà phải giấu chồng cất kín ở gầm cầu thang…
Được khánh thành vào cuối năm 2012, Bảo tàng Đồng quê đã trở thành nơi đầu tiên trưng bày những hiện vật gắn liền với đời sống người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó cũng là tâm nguyện của người giáo viên nghỉ hưu 20 năm lặn lội đi sưu tập hiện vật về… dựng bảo tàng.
Bảo tàng về nông thôn giữa nông thôn
Ba năm qua, thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy đã trở nên nổi tiếng được nhiều người tìm đường hỏi về.
Từ cuối năm 2012, vùng quê ven biển này đã xuất hiện bảo tàng đầu tiên về cuộc sống vùng nông thôn nói chung và đời sống người nông dân vùng ven biển Giao Thủy Nam Định nói riêng.
"Bảo tàng đồng quê" của cô giáo 20 lặn lội thuê xe ôm đi sưu tập đồ. |
Chủ nhân của “bảo tàng nông dân” này là bà Ngô Thị Khiếu, một giáo viên đã nghỉ hưu.
Ròng rã trong một thời gian dài, bà Khiếu đã không quản thời gian, công sức đi lần tìm, sưu tập những hiện vật để phục vụ cho dự án: dựng bảo tàng tư nhân về đời sống thôn quê trên chính quê hương mình.
Để có tiền phục vụ cho mục đích của mình, bà đã thuyết phục chồng bán mảnh đất được cấp ở Hà Nội để về quê (làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) xây dựng một bảo tàng.
Biết chuyện, giáo sư Vũ Khiêu đã gửi tặng bà đôi câu đối khen ngợi: “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước /Để cho con cháu mãi sau này”…
Nhà bần nông, nhà trung nông - hai mô hình nhà lợp mái bổi (lợp cói) đặc trưng ở vùng biển Nam Định. |
Sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô Khiếu về dạy học tại xã Giao Thịnh và nên duyên với một thầy giáo trẻ. Chiến tranh, chồng cô xếp bút nghiên vào bộ đội, hết Trường Sơn ông lại tới Trường Sa, biên giới, hải đảo.
Cô Khiếu cũng lặn lội theo chồng, lúc Đà Nẵng, khi Đà Lạt, Hải Phòng rồi cuối cùng là Hà Nội…
Khi về hưu, hai vợ chồng cô vẫn thường xuyên về thăm quê, mảnh đất mà cả hai ông bà vẫn nặng lòng.
Năm 2010, xã Giao Thịnh khánh thành trường mầm non, vợ chồng cô được mời về dự. Sau lễ cắt băng khánh thành, cô đi một vòng tìm hiểu về nhà trường và lặng người: cái gì cũng thiếu, nhất là các phương tiện, sách vở… dành cho các cháu học sinh.
Bộ sưu tập chậu đồng, mâm đồng, nồi đồng hàng trăm cái của cô Khiếu. |
Hình ảnh những cối đá trên khoảng sân của mô hình "Nhà địa chủ". |
Nhớ lại tủ sách hàng ngàn cuốn của hai vợ chồng – “tài sản” có được sang hàng chục năm trời thói quen ham đọc sách, vợ chồng cô thường xuyên mua về, ý tưởng xây dựng tủ sách cho nhà trường được nhen nhóm.
Cùng với sách, đã từ lâu cô còn sưu tầm được rất nhiều đồ đồng, bát đĩa cổ. Chuyện bắt đầu từ một lần, cô tình cờ nhìn thấy ở góc phố Hà Nội, mấy chị đồng nát đang ra sức đập bẹp gí mấy chiếc nồi đồng, mâm đồng còn rất lành lặn.
Cô lại gần hỏi đập làm gì. Họ nói: “Đập để đem cân bát đồng nát”. Cô nhìn mà tiếc đứt ruột. Những nồi đồng, mâm đồng ấy một thời từng là ước mơ của bao gia đình nông dân.
Cô bảo mấy chị đồng nát dừng tay rồi dốc túi xin mua hết số nồi đồng, mâm đồng mang về nhà. Mang về rồi, cũng chẳng biết dùng làm gì, cô phải giấu chồng cất kín ở gầm cầu thang…
Đi về quê, cô lại tiếp tục tận mắt nhìn thấy những bà đồng nát đi thu gom mua nồi đồng, mâm đồng mua được chiếc nào họ đều đập bẹp để cân đồng mang bán.
“Nếu cứ đà này thì về sau con cháu muốn xem những vật dụng của cha ông cũng chẳng còn” - cô thầm nghĩ.
Ý tưởng sưu tầm đồ của cô, ban đầu cũng chỉ vì lý do rất… vẩn vơ như thế. Đến khi, số hiện vật theo thời gian được cô tìm được đã thành một… kho đồ sộ trong nhà, cùng với chuyến về quê tình cờ năm 2010, một bảo tàng về vùng thôn quê trưng bày những hiện vật về chính đời sống người dân quê mình đã hình thành.
Bảo tàng “bình dân”
Đem câu chuyện của mình trao đổi với cán bộ xã Giao Thịnh, mà trong đó, nhiều người chính là học trò cũ của cô, cô Khiếu được các học trò ủng hộ. Lãnh đạo xã Giao Thịnh hướng dẫn tỉ mẩn cho cô quy trình để lập một dự án về bảo tàng tư nhân bài bản.
Những nông cụ, công cụ gắn liền với đời sống người nông dân vùng ĐBBB. |
Trong xã có khu đất để trống nhiều năm gần với trường tiểu học xã, cô Khiếu được tạo điều kiện cho thuê thời hạn 50 năm, với số tiền 200 triệu đồng.
Đó là khi lãnh đạo huyện, xã hiểu được tâm nguyện và mục đích cao cả của người giáo viên về hưu, muốn đóng góp công sức cho các thế hệ tương lai.
Rất nhanh chóng, bảo tàng đã hiện hữu thành hình hài. Bảo tàng tái hiện 5 mô hình nhà gắn với quá trình phát triển của nông thôn Việt Nam.
Ngôi nhà thứ nhất, là kiểu nhà tranh vách đất lợp rạ của bần cố nông, tường trình đất đồng thời cũng là nơi để các dụng cụ lao động như cày, bừa, cuốc, thuổng, có cối xay, cối giã gạo, bếp tro…
Chái nhà của nhà trung nông... |
Vật dụng xa hoa trong "Nhà địa chủ". |
Ngôi nhà thứ hai tái hiện loại nhà trung nông, tường xây luồn gianh lợp bổi (cói) đồng thời sẽ là nơi dệt chiếu, trưng bày sinh hoạt của nông dân tầng lớp trung nông.
Ngôi nhà thứ ba, sẽ là loại nhà địa chủ, nhà ngói cây mít, gỗ lim, trưng bày các vật dụng sinh hoạt của gia đình địa chủ.
Ngôi nhà thứ tư là loại nhà gác tường vào những năm 60 của thế kỷ trước, mang đặc trưng của vùng Giao Thủy. Ngôi nhà thứ năm xây 4 tầng, là nơi trưng bày các hiện vật, thư viện và hội họp…
Những hiện vật mà cô Khiếu sưu tầm được trong gần 20 năm trời, cũng gần đủ để tái hiện một không gian trưng bày về văn hóa đồng quê lúa nước sông Hồng, bao gồm các công cụ nhà nông khoảng 100 năm trở lại đây cùng với bộ sưu tập đồ đồng, nồi đồng (200 cái), mâm đồng (200 cái), đèn cổ (hơn 100 chiếc) và nhiều đồ gốm cổ, sứ cổ, tiền cổ…
Tầng ba của tòa nhà là thư viện với hàng nghìn đầu sách và nhiều báo, tạp chí.
Tại tầng một của bảo tàng, cô cho trưng bày những hiện vật liên quan đến truyền thống quân đội, chủ yếu liên quan đến truyền thống bộ đội Công binh Hải quân – đơn vị mà chồng cô phần lớn cả cuộc đời gắn bó.
Tâm nguyện của người giáo viên về hưu là mai này sẽ hiến tặng Bảo tàng Đồng quê này cho quê hương, đó sẽ là địa chỉ để cộng đồng đến tham quan, tìm hiểu; các cháu học sinh đến học tập và hiểu rõ hơn về cuộc sống vùng nông thôn Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước. |
Cô tâm sự: “Sau này, vợ chồng cô sẽ tặng lại công trình này cho địa phương để trở thành nơi sinh hoạt văn hóa chung cho bà con. Nó sẽ trở thành không gian dành cho cộng đồng, các cháu học sinh đến tìm hiểu, tham quan thực tế để hiểu rõ hơn về chính vùng quê mình đang sống, cách đây chỉ vài chục năm về trước”.
Hiện tại, cô Khiếu vẫn cùng chồng và các con sinh sống tại Hà Nội. Cô vẫn thường xuyên đi về thăm quê và chỉ đạo từ xa mọi hoạt động của bảo tàng.
“Giúp việc” cho cô là những người nông dân được sinh ra và lớn lên trên chính vùng quê Giao Thủy, họ hàng ngày sẽ có trách nhiệm giới thiệu cho khách tham quan về chính cuộc sống của mình, chỉ có điều, là cuộc sống ấy cách đây mấy chục năm về trước, dù chưa xa nhưng không phải ai cũng dễ dàng hình dung, tiếp xúc.
Kiên Trung