Ông Nguyễn Văn Nhân (khu phố Bình Tân, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá có nhiều bộ sưu tập cổ vật bậc nhất xứ này.
Từ bộ sưu tập cây cảnh triệu đô đến những đồng tiền cổ, ông Nguyễn Văn Nhân (khu phố Bình Tân, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá có nhiều bộ sưu tập bậc nhất xứ này. Ông bảo, chơi cổ vật để lưu giữ giá trị của lịch sử truyền thống dân tộc chứ không phải bán kiếm lời.
Quý vật tìm quý nhân
Ông Nhân vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Nhưng từ bé ông đã đam mê tìm kiếm, sưu tầm cổ vật. Nhìn vào bộ sưu tập đồ cổ, cây cảnh khiến mọi người đều không khỏi trầm trồ. Họ thán phục trước sức lực và trí tuệ làm việc siêu phàm của ông. Họ thắc mắc không biết bằng cách nào ông có thể tự cân đối giữa việc khám chữa bệnh cho người dân và việc dành thời gian cho thú chơi cổ vật này.
Ông chỉ trả lời đơn giản rằng, có niềm đam mê là có tất cả, khi đam mê thứ gì đó ông sẽ dành thời gian nuôi dưỡng.
Trong bộ sưu tập đồ cổ của ông Nhân có hàng chục loại được ông phân chia rất rõ ràng. Đặc biệt, để tránh sự dòm ngó của người lạ, ông đều cất giữ mỗi thứ một nơi. Ngồi nói chuyện về các món đồ của mình ông có thể kể cho chúng tôi cả ngày không biết chán, vì mỗi một món đồ đều gắn bó với một kỷ niệm. Nhưng theo ông, phải có duyên mới có và giữ được những đồ vật quý. Nhiều người có đồ quý, nhưng vì lợi ích kinh tế họ sẵn sàng bán chuyển nhượng cho người khác. Chính vì thế, nhiều món đồ cổ lưu lạc ra nước ngoài.
Ông Nhân cho hay người xưa có câu nhất đá, nhì đồng, tam sành, tứ mộc. Để đi tìm hiểu giá trị của những chất liệu đó, nhiều năm qua ông đã đi tìm hiểu, săn tìm những món đồ quý giá. Ông nghiên cứu, tìm tòi, từ các triều đại vua quan của nhiều nước trên thế giới. Từ hàng nghìn năm trước, con người đã biết sử dụng đá, thể hiện quyền lực và đẳng cấp trong xã hội. Có thể kể đến những viên ngọc tỷ truyền quốc của các hoàng đế Trung Hoa hay những viên kim cương gắn trên vương miện của Nữ hoàng Anh Quốc. Vì thế, đá là đồ vật tinh túy nhất.
Trong số những món đồ bằng đá ông Nhân sưu tầm được ông quý nhất là đôi tỳ hưu được khắc bằng chất liệu đá hổ phách hóa thạch, màu đỏ trong suốt. Ông quý nó đến nỗi có một dạo khi nạn trộm cắp hoành hành đi đến đâu ông cũng đem theo, tối ngủ ông cũng đặt cạnh bên mình. Việc ông sử hữu đồ vật đó như một cơ duyên.
Ông Nhân kể: Hơn chục năm trước, có người đàn ông ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Minh, thị xã Sầm Sơn tình cờ đi làm đồng cuốc vào bờ ruộng gặp một chiếc tiểu bằng sành, ông nhìn vào không có xương người mà chỉ có chiếc hộp bằng gỗ nằm trong đó. Mở chiếc hộp ra ông thấy có hai con tỳ hưu, một lọ nước hoa, một chiếc ấn có ghi Đại Minh niên chế. Biết ông Nhân là người có kinh nghiệm trong việc thẩm định đồ cổ, ông ta đem đến cho ông Nhân xem đồ. Khi đó có rất nhiều người muốn mua món đồ, nhưng người đàn ông đó cương quyết không bán cho bất kỳ ai ngoài ông Nhân. Họ yêu cầu ông Nhân trả cho họ số tiền gần 30 triệu đồng và để lại cho ông toàn bộ hiện vật đó.
Bẵng đi thời gian có gã lái buôn đồ cổ biết tin ông sở hữu món đồ quý giá đó, họ đến xin được ngắm nhìn đồ vật. Nhìn thấy đôi tỳ hưu phát ra màu đỏ trong suốt khiến gã thích thú vô cùng. Bao nhiêu năm đi buôn đồ cổ, nhưng chưa bao giờ hắn thấy một đồ vật kỳ lạ như vậy. Qua nhiều lần đến chơi cuối cùng hắn nói muốn ông nhượng lại đôi tỳ hưu với giá 1,2 tỷ đồng. Dù có chút bối rối trước con số mà gã đưa ra, nhưng ông Nhân dứt khoát từ chối.
Ông Nhân bảo, nhờ nhân duyên ông mới có được đôi tỳ hưu trong nhà, vì thế ông phải trân trọng nó, với giá nào ông cũng không bán. Tiền có thể làm ra được, còn đôi tỳ hưu này chỉ có một mà thôi.
Kho đồ cổ triệu đô
Quen biết ông Nhân thời gian dài, nhưng vừa rồi ông mới dẫn tôi chiêm ngưỡng kho cổ vật của mình. Ông bảo, nơi đó là cung cấm, bất khả xâm phạm. Đến người thân của mình khi nào có việc gì thật cần thiết ông mới mở cửa cho họ vào khu vực đó. Phải thực sự là người thân thiết, tin cẩn ông mới cho xem.
Tôi thực sự choáng ngợp trước những hiện vật trong kho cổ vật của ông. Ông dành cả tòa nhà để lưu giữ các loại cổ vật. Một bên là tiền cổ bằng giấy, tiền xu các thời. Một bên là bộ sưu tập đồ cổ gốm sứ với nhiều triều đại.
Ông Nhân cho hay, mỗi người một niềm đam mê, với nhiều người họ làm ra tiền để mua nhà lầu xe hơi, nhưng với ông thì khác, bao nhiêu năm qua vốn liếng dành dụm được ông đều ném cả vào chơi đồ cổ. Có người bảo ông gàn dở, người ta vừa chơi, vừa mua đi bán lại sinh lời nhưng ông thì hiếm khi bán, ông quý ai thì trao đổi các món đồ với họ, thậm chí biếu họ một món đồ nào đó khi họ thích.
“Tôi sở hữu tiền cổ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Từ tiền giấy đến tiền xu đều có cả. Các loại tiền này không tính theo số lượng được mà phải tính theo trọng lượng đến cả yến tiền. Tôi cũng không nhớ nổi mình phải bỏ ra bao nhiêu tiền để sở hữu nó, có món người ta mang đến bán, có món được bạn bè nhượng lại”, ông Nhân kể.
Theo ông Nhân, trong kho tiền cổ ông quý nhất là hai đồng tiền xu làm bằng chất liệu bạc, đồng thứ nhất là đồng đô la hình cô gái mái tóc bồng bềnh LiBeTy được sản xuất năm 1804. Trên thế giới chỉ có 15 đồng tiền như vậy. Đồng tiền đô la thứ hai mang hình Tổng thống Mỹ đầu tiên được sản xuất năm 1865. Những đồng tiền này hiện nay được rao bán với giá rất cao, có người đòi mức giá lên tới triệu đô.
Tôi nghi ngờ về giá trị thật của các món đồ ông đang có, bởi nó rất quý hiếm, trên thế giới chỉ giới siêu giàu mới sở hữu được chúng. Ông Nhân có những đồng tiền đó, nhưng có thể đây là đồng tiền nhái lại hình dáng và chất liệu thì ông Nhân trả lời: Trước khi mua nó ông đã tham khảo rất nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về chơi tiền cổ. Vì thế, không có chuyện hàng nhái ở đây được. Điều quan trọng hơn cả là có người ngã giá với ông về hai đồng xu đó không dưới vài trăm nghìn đô la nhưng ông lắc đầu không bán.
Tạm dừng nói chuyện về tiền cổ, ông dẫn tôi sang kho đồ cổ khác với hàng trăm đồ vật làm bằng chất liệu gốm sứ. Ông Nhân cho hay, các đồ gốm sứ ông sưu tầm theo các đời vua chúa với những món đồ tinh xảo. Hiện tại, ông sở hữu một chiếc đĩa men ngọc từ đời Tống với giá tiền tỷ.
Ông Nhân cho biết, những ai yêu thích đồ cổ thì quý trọng món đồ, coi đồ vật như báu vật trong nhà. Nhưng người ngoại đạo chỉ xem nó như đồ chơi bình thường. Hàng chục năm qua, ông dành thời gian công sức tiền bạc sưu tầm đồ cổ, không mục đích kinh doanh mà để lưu giữ báu vật của thời gian, lưu giữ giá trị lịch sử.
Hiện ông Nhân sở hữu hàng trăm cây cảnh có giá trị từ vài trăm triệu đến tiền tỷ. Nhiều cây có thế đẹp ông mang đến các hội chợ cho mọi người chiêm ngưỡng chứ không bán. Nhiều người thắc mắc vì tính kỳ quặc đó, nhưng ông nói, ông quý cây nào thì giữ lại để chơi, bao nhiêu tiền không bán. |
Theo Kienthuc