Mua xe máy trả góp là cách được nhiều người lựa chọn trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Song, vẫn còn đó những “lợi bất cập hại” của phương thức thanh toán tưởng chừng như rất linh hoạt này.

Không phải chi ngay một số tiền lớn để mua xe. Không phải thế chấp tài sản, chứng minh thu nhập, công chứng giấy tờ mà vẫn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất để có thể mua được chiếc xe như mong muốn. Thế nhưng, tiện lợi bao nhiêu khi được sở hữu vật dụng mình đang cần một cách nhanh chóng, thì nhiều khách mua trả góp cũng sững sờ bấy nhiêu khi gặp phải những hệ lụy, rắc rối không lường trước được.

“Cắt cổ” người mua bằng lãi suất

Theo một nhân viên tư vấn đại lý xe Honda ở Cầu Giấy, khách mua có thể trả tối đa 70% giá trị xe, nhưng nhiều người chọn 30%, vì những người mua trả góp thường có thu nhập trung bình. Thời hạn trả góp 1 chiếc xe có thể 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng. Hiện các nhà cung cấp dịch vụ hầu hết đều áp dụng mức trả trước tối thiểu 30% giá trị xe và thời hạn vay 6-24 tháng. Mỗi công ty tài chính lại có đối tượng phục vụ riêng.

Tuy nhiên, theo nhiều người đã từng là khách hàng của dịch vụ mua xe trả góp, hình thức này “tưởng rẻ mà hóa đắt”. Lãi suất mua trả góp phổ biến từ 1,41- 1,91%/tháng, tương đương gần 17% và 23%/năm. Còn có thời điểm, lãi suất xe trả góp vượt 2,4% một tháng, tương đương gần 30%/năm. Điều đó khiến người ta hiểu được tại sao dịch vụ cho vay mua xe trả góp của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính đang “ăn nên làm ra” – chính là nhờ cho vay với lãi suất… khủng từ 30%/năm trở lên này.

{keywords}

Trước khi mua xe trả góp, người mua cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp

Tại đại lý, khi chúng tôi nói có nhu cầu mua chiếc xe Air Blade trả góp thì được nhân viên tư vấn nhiệt tình hướng dẫn các thủ tục, giá bán xe 37,5 triệu đồng, khách hàng được vay 70% giá trị xe (25,9 triệu đồng), lãi suất 3,5%/tháng (42%/năm). Nếu trả góp 9 tháng, mỗi tháng trả 3,767 triệu đồng (tổng số tiền phải trả 33,903 triệu đồng), còn trả góp 12 tháng, mỗi tháng trả 3,047 triệu đồng nên tổng số tiền phải trả là 36,564 triệu đồng. Cộng thêm hơn 15 triệu đồng (30% giá trị xe) trả lúc đầu, giá bán mỗi chiếc xe là hơn 50 triệu đồng. Trong số này, có khoảng 41 triệu đồng tiền xe, số còn lại là lãi phải trả.

Với phương thức tính lãi “gộp”, cộng với phí quản lý tín dụng 5% và phí bảo hiểm tín dụng 5% tổng số tiền vay, khách hàng phải trả lãi và các khoản phí gần 50%/năm. Lý do các tổ chức tín dụng đưa ra cho việc áp dụng lãi suất cao vì đây là hình thức vay tín chấp.

Đủ thứ rắc rối

Hiện trên thị trường có 2 phương thức trả nợ phổ biến là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, một số tổ chức tài chính đã liên kết cùng cửa hàng, đại lý áp dụng cho mua hàng trả góp ghi cả hai loại lãi suất trong cùng một hợp đồng. Nếu chỉ trả gốc và lãi hàng tháng sẽ không có vấn đề gì nhưng với khách hàng kết thúc sớm hợp đồng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.

Đa phần khách hàng mua trả góp thường chỉ quan tâm số tiền phải trả ban đầu là bao nhiêu và số tiền phải góp hằng tháng là bao nhiêu, không mấy người tính được chi phí tổng thể, và nhất là chẳng mấy ai hỏi nhân viên tư vấn cụ thể về các khoản phạt nếu khách hàng trả chậm so với kỳ trả nợ mỗi tháng hay trả trước kỳ hạn thỏa thuận. Và cuối cùng thì khách hàng đã phải mua một “cục tức” – sự bất lợi không thể chịu nổi. Đó là khi có tiền, khách hàng muốn trả hết một đợt cũng không được. Một khách mua một chiếc xe Honda Dream II, trả góp hàng tháng đến khi còn 5 triệu đồng định mang trả nốt, thì cửa hàng nhất định không nhận mà yêu cầu khách trả đúng như cam kết trên hợp đồng là gần 1 triệu đồng/tháng, còn nếu muốn thanh toán “một cục” thì phải chịu phí, chẳng khác gì vay vốn ngân hàng mà trả trước thời hạn.

Bởi thế, trước khi mua xe trả góp, người mua cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp; và khi làm hợp đồng phải yêu cầu ghi rõ mức lãi suất, cơ sở tính, không nên ký hợp đồng nếu chưa rõ. Mua trả góp với lãi suất nào cũng là một hình thức vay tiền để tiêu dùng nên có những tính toán cẩn trọng để không gặp rủi ro về tài chính khi sẽ phải trả lãi suất cho khoản tiền vay đó và cả phí dịch vụ mua hàng trả góp.

(Theo ANTĐ)