Ngày 9/3, Bệnh viện 108 (Hà Nội) cho biết nam bệnh nhân 51 tuổi quê ở Điện Biên, được người nhà đưa đến do đột quỵ chảy máu não, tăng huyết áp, đái tháo đường. Bệnh nhân cho biết trước đó chưa từng gặp tình trạng cương dương liên tục như vậy. Ông khẳng định không sử dụng chất gây nghiện, không tiêm thuốc vào vùng kín.
Tại Khoa Nam học, bệnh nhân được chẩn đoán cương đau dương vật thể thiếu máu đã được điều trị hút máu vật hang, bơm rửa vật hang bằng nước muối sinh lý, tiêm thuốc vào vật hang. Tuy nhiên, sau 60 phút vẫn không có kết quả, bác sĩ quyết định tạo shunt (lỗ dò) giữa thể hang - vật xốp. Ngay sau đó, tình trạng bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ Nghiêm Trung Hưng, Khoa Nam học, Bệnh viện 108, đánh giá đây là ca bệnh hy hữu. Cương đau dương vật kéo dài là tình trạng dương vật cương cứng dai dẳng, kéo dài không tự mềm được dù không liên quan đến kích thích tình dục. Một ca cương trên 4 giờ được gọi là kéo dài. Tỷ lệ mắc thấp, dao động từ 0,3- 1/100.000 nam giới mỗi năm.
"Đại đa số không rõ nguyên nhân, ngoài ra có thể gặp ở một số bệnh nhân lạm dụng bia, rượu và một số thuốc, bệnh hồng cầu liềm hoặc chấn thương vùng tầng sinh môn, chấn thương sọ não, chảy máu não, sau gây tê tủy sống,…", bác sĩ Hưng cho biết.
Cương đau dương vật kéo dài gồm 3 thể: Thiếu máu, không thiếu máu và thể tái diễn. Trong đó 95% các ca bệnh là thể thiếu máu. Bệnh gây ra đau đớn cho bệnh nhân, còn có thể gây thiếu máu mô cương, nếu không được can thiệp kịp thời có nguy cơ hoại tử dương vật, hoại tử mô cương gây rối loạn cương dương vĩnh viễn.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo nếu có dấu hiện cương dương bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị càng sớm càng tốt.